Thu hút doanh nghiệp tham gia dự án PPP nông nghiệp

Thu hút doanh nghiệp tham gia dự án PPP nông nghiệp
Để đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản Việt Nam vượt 40 tỷ USD, một giải pháp trọng tâm là thu hút các doanh nghiệp tham gia và đẩy mạnh các dự án đối tác công - tư (PPP) trong nông nghiệp.

PPP - chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững

Tại Diễn đàn tăng trưởng châu Á (GAF) với chủ đề “Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN. Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản trong khu vực không chỉ đảm bảo an ninh lương thực nội khối với dân số 650 triệu người, mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

.

Hợp tác trong nông nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất của Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhằm gia tăng sức mạnh và năng lực thâm nhập thị trường của sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết, tăng cường sự tham gia của hộ nông dân. 

“Trong kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng. Khoa học - công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Bên cạnh vai trò chủ thể của nông dân, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất của phát triển nông nghiệp, là người cầm trịch trong tổ chức thị trường, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp là phải đẩy mạnh các dự án PPP.

Bộ trưởng cho biết, để cụ thể hóa tầm nhìn mới trong nông nghiệp, từ năm 2010, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các nhóm công tác PPP ngành hàng trong tổ chức PSAV (Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam).

Nhân rộng mô hình PPP nông nghiệp

Từ năm 2010 đến nay, PSAV đã triển khai thành công 7 nhóm công tác PPP các ngành hàng: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu và gia vị, lúa gạo, hóa chất nông nghiệp. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã giúp Việt Nam giới thiệu, tiến cử các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp phối kết hợp giữa Chính phủ với người dân và doanh nhân.

Hiện tại, gần 220.000 nông dân đã được hỗ trợ tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật, được tập huấn và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Các mô hình này đảm bảo các tiêu chí kinh tế - xã hội, môi trường nằm trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các nhóm công tác PPP ngành hàng của Việt Nam được WEF thừa nhận đã và đang mang lại nhiều kết quả tốt và được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất trong Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của WEF tại châu Á.

Cụ thể, hiện nay 2 mô hình PPP do Néstle và Unilever phối hợp thực hiện trong ngành hàng chè và cà phê rất hiệu quả.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại (Công ty Nestlé Việt Nam) chia sẻ, năm 2016, nhóm tập trung vào triển khai các mô hình mẫu. Từ năm 2017, nhóm đã chuyển đổi mô hình theo liên kết chuỗi để gia tăng giá trị cà phê Việt Nam với tham vọng biến Việt Nam là điểm tham chiếu của thế giới về cà phê Robusta toàn cầu. Nhóm đã xây dựng các mô hình để liên kết nông dân trong một vùng hoặc khu vực với nhau.

Từ thực tiễn trên, việc tăng cường phát triển các mô hình sản xuất và đầu tư theo hình thức PPP là rất cần thiết. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN&PTNT mong muốn WEF thông qua Sáng kiến Tăng trưởng châu Á, tiếp tục đồng hành với ngành nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc xây dựng các chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản.

“Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với WEF củng cố và mở rộng thêm các nhóm công tác PPP ngành hàng ra các mặt hàng khác; thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Thu Phương/baodautu.vn