Thu nhập tốt nhờ hợp tác trồng chè

Thu nhập tốt nhờ hợp tác trồng chè
Bắt đầu thành lập từ năm 2012, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) từng bước trở thành địa chỉ tin cậy giúp các hội viên nông dân trồng chè có thu nhập gấp đôi so với trồng lúa.
Bắt đầu thành lập từ năm 2012, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) từng bước trở thành địa chỉ tin cậy giúp các hội viên nông dân trồng chè có thu nhập gấp đôi so với trồng lúa.

Mở sân chơi hợp tác cho người trồng chè

Chị Đào Thị Thúy - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Bắc Sơn cho biết: “Toàn xã Bắc Sơn có 304 hộ tham gia trồng chè trên diện tích 85ha. Trước đây, các hộ chủ yếu trồng chè theo phương pháp truyền thống, bán sản phẩm thô chưa qua sơ chế dẫn tới sản phẩm làm ra không có thương hiệu, giá thành thấp”. Theo chị Thúy, để phát huy thế mạnh của cây chè, tiến tới xây dựng thương hiệu chè Bắc Sơn trên thị trường và chấm dứt sự “chèn ép” của thương lái, năm 2012 Hội Nông dân (ND) xã đã đứng ra thành lập và quản lý HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn.

 

 
Hội viên HTX Nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn đang sao chè.   
 
Xuất phát điểm với 8 thành viên, đến nay HTX đã có 30 thành viên, hoạt động theo hình thức đóng góp cổ phần. Số vốn hiện có của các thành viên HTX là 200 triệu đồng. Điều đặc biệt, HTX đang xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn (VietGAP) thí điểm cho 16 hội viên với diện tích tham gia 10ha, khi thành công sẽ nhân rộng ra toàn hội viên trong HTX.

 

Để giúp hội viên an tâm, HTX phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư phát triển cây chè tổ chức tập huấn, hướng dẫn và tư vấn kỹ thuật sản xuất tiêu thụ chè an toàn, cung ứng giống, xây dựng nhãn hiệu “Chè sạch Bắc Sơn”. Ngoài ra, Hội ND xã cũng tìm kiếm được các nguồn hỗ trợ từ Hội ND huyện cho hội viên như: Hỗ trợ phân bón trả chậm, vốn ưu đãi từ Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng CSXH huyện Sóc Sơn.

Chè VietGAP được giá

 

Quan điểm
 
Ông Nguyễn Hữu Hồng • Chủ tịch Hội ND xã Bắc Sơn
  Hàng năm, Hội ND xã phối hợp với HTX tổ chức 2-3 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản... chè cho hàng trăm lượt hội viên tham gia. Tham gia ngay từ những ngày đầu thành lập HTX, chị Nguyễn Thị Huyền (thôn Phúc Xuân) bộc bạch: “Gia đình tôi đã có nhiều năm trong nghề trồng chè. Với 2 mẫu, trước đây tôi chủ yếu trồng chè trung du (chè trồng bằng hạt) và sau thu hoạch hoàn toàn bán thô ra các chợ phiên hoặc cho thương lái, giá thấp, chỉ đạt 150.000 đồng/kg, lời lãi chẳng đáng bao nhiêu”.

 

Khi vào HTX, sản phẩm chè của chị Huyền làm ra đã có HTX liên kết với các công ty bao tiêu và xây dựng thành nhãn hiệu riêng, không còn cảnh bị thương lái ép giá. Được chọn tham gia mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn theo quy trình VietGAP, chị Huyền cùng với các hội viên khác trong HTX trồng chè theo quy trình khép kín từ cây giống đến sao, hái, đóng gói.

“Với loại chè VietGAP, chúng tôi mất nhiều công chăm sóc như phải ghi chép nhật ký hàng ngày, phun thuốc theo quy định tránh liều lượng mạnh, đủ ngày, bón phân sinh học… Nhưng bù lại sức khỏe đảm bảo, và mừng hơn là chè đã có thương hiệu nên giá thành sản phẩm tăng lên từ 250.000- 500.000 đồng/kg” - chị Huyền phấn khởi.

Cũng theo chị Huyền, chè chỉ cho thu trong 8 tháng và sau 20 năm mới cần trồng cây mới để thay thế. Trung bình chị thu 2 lứa/tháng, đạt 60-80kg chè tươi/sào/tháng (26kg chè sao khô/tháng, tương đương gần 3 tạ/năm).

Gia đình chị thu về “tiền công” từ 60-70 triệu đồng/năm. Chị Huyền còn tạo việc làm cho 2-3 lao động thời vụ tại địa phương và trả công 100.000 đồng/người/ngày.

Theo danviet.vn