Thu nhập trăm triệu từ chăn nuôi lợn thịt bằng cám thảo dược

Thu nhập trăm triệu từ chăn nuôi lợn thịt bằng cám thảo dược
Bất chấp những biến động của thị trường, mô hình chăn nuôi lợn thịt bằng cám thảo dược tự chế biến của anh Dương Đức Lâm ở xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đã khẳng định được tính hiệu quả, bền vững với thu nhập mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng…

Là người từng có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, anh Lâm sớm nhận thấy cách nuôi lợn truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro do yếu tố dịch bệnh và giá cả thị trường. Với suy nghĩ chất lượng vật nuôi không chỉ quyết định hiệu quả sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, anh Lâm dần hình thành ý tưởng chăn nuôi lợn bằng cám thảo dược. Điều thuận lợi là gia đình anh Lâm sinh sống khá gần làng chế biến dược liệu Nghĩa Trai ở xã Tân Quang, huyện Văn Lâm. Sau khi dành thời gian tìm hiểu về các vị thuốc cũng như kỹ thuật chăn nuôi lợn, năm 2013, anh Dương Đức Lâm chính thức bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Nguồn lợn giống được anh nhập về từ các cơ sở cung cấp con giống có uy tín. Toàn bộ thức ăn phục vụ cho việc chăn nuôi lợn đều do gia đình tự chế biến. Quá trình nuôi lợn, không sử dụng thức ăn công nghiệp chế biến sẵn như các cơ sở khác, thức ăn cho lợn đều được anh Lâm nấu thành “cám thảo dược” theo đúng cách truyền thống với nguyên liệu chính là ngô, sắn, cám gạo và thân cây chuối, rau lang, khoai nước... Trong đó, các loại dược liệu đã được anh sử dụng một cách linh hoạt với phương châm “giúp vật nuôi tăng khả năng đề kháng, phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Anh Dương Đức Lâm giới thiệu về các loại dược liệu tự nhiên được anh sử dụng để chế biến thành cám thảo dược

Theo anh Dương Đức Lâm, điểm đặc biệt của loại cám thảo dược mà gia đình anh dùng trong chăn nuôi lợn là cám đã được bổ sung nhiều loại dược liệu tự nhiên như lá tía tô, kinh giới, mã đề, cúc hoa, kim tiền thảo, hoắc hương, đương quy, ý dĩ, thổ phục linh, hồi, quế... Với tỷ lệ cụ thể, các loại thảo dược này có chức năng giải trừ độc tố, kháng khuẩn và tăng cường miễn dịch, thay thế một số loại kháng sinh và ức chế vi khuẩn có hại, qua đó giúp đàn lợn có thêm sức đề kháng, chống chịu được các loại bệnh thông thường. Khi lợn có dấu hiệu bất ổn về sức khoẻ, anh Lâm lại sử dụng các vị thảo dược để chữa trị nên hầu như đàn lợn trong trang trại của gia đình không phải sử dụng đến các loại kháng sinh. Qua theo dõi, lợn nuôi được chăm sóc tỉ mỉ nên có sức đề kháng cao, luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt đạt mức tăng trọng bình quân 20 - 25 kg/tháng.

Sau hơn 5 năm phát triển, mô hình chăn nuôi lợn bằng cám thảo dược của anh Dương Đức Lâm đã thu được nhiều kết quả tích cực. Để bảo đảm tự chủ về nguồn con giống, anh còn xây dựng khu chuồng nuôi lợn nái riêng với gần 20 lợn mẹ. Thời điểm tháng cuối năm 2017, trong khi nông dân chỉ bán được 25.000 - 28.000 đồng/kg lợn hơi, anh vẫn xuất bán lợn với giá 43.000 - 45.000 đồng/kg. Đến nay, việc nuôi theo phương thức này đi vào ổn định, gia đình anh Lâm thường xuyên duy trì đàn lợn thịt khoảng 200 - 300 con; nếu hoạt động hết công suất có thể đạt 500 con, cho lãi khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng/con/chu kỳ nuôi. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, sau khi xuất bán hơn 200 lợn thịt, gia đình anh Lâm đã thu về khoảng trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí các loại.

 Anh Dương Đức Lâm chia sẻ: “So với cách nuôi truyền thống, toàn bộ quá trình nuôi lợn của tôi hiện nay được kiểm soát chặt chẽ, tiêm phòng và quản lý dịch bệnh với lý lịch từng con, bảo đảm cho đến khi thành lợn thương phẩm, giết mổ, đóng gói và đưa ra thị trường. Vì vậy, mặc dù thời gian nuôi kéo dài hơn một chút, nhưng chất lượng thịt thơm ngon và an toàn được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Được biết, lợn thịt được nuôi từ cám thảo dược của gia đình anh Lâm đã được nhập vào nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hưng Yên... Tại khu trang trại của gia đình, với mục tiêu bảo đảm chất lượng tốt nhất cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, anh Lâm còn xây dựng riêng một khu giết mổ đúng theo yêu cầu của ngành thú y. Lợn thịt sau khi được đưa vào giết mổ sẽ được chia thành các loại thịt cụ thể và được đóng gói vô trùng trong môi trường chân không. Gia đình anh Dương Đức Lâm còn chủ động nắm bắt nhu cầu của thị trường, đầu tư trang thiết bị để chế biến thịt lợn thành các sản phẩm đa dạng như xúc xích, lạp sườn, ruốc khô... qua đó phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Là khách hàng thường xuyên của trang trại nuôi lợn thảo dược, chị Trần Thị Thu ở phường Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội) đánh giá: “Một lần tình cờ biết đến sản phẩm của gia đình anh Lâm thông qua giới thiệu của người bạn, tôi đã sử dụng thử và rất yên tâm với sản phẩm lợn nuôi bằng thảo dược. Chất lượng thịt bảo đảm với mùi vị đặc trưng, nhất là thịt lợn có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng. Đây là điều mà người tiêu dùng chúng tôi mong muốn nhất trong bối cảnh thực phẩm “bẩn” đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường”.

Theo ông Bùi Huy Cường, Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên cho biết: Mô hình nuôi lợn bằng cám thảo dược của anh Dương Đức Lâm là một trong số các “Mô hình khởi nghiệp tiêu biểu” của tuổi trẻ Hưng Yên. Mô hình này không chỉ thể hiện ý chí khởi nghiệp, tinh thần dám nghĩ dám làm mà còn là hướng đi mới, hiệu quả; góp phần nâng cao thu nhập cho đoàn viên cũng như bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Cùng chúng tôi tham quan khu chuồng nuôi lợn hậu bị, anh Lâm chia sẻ về việc sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô hoạt động chăn nuôi lợn bằng cám thảo dược; đồng thời đẩy mạnh việc tiếp thị sản phẩm, mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ để vừa nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình vừa góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho thị trường tiêu thụ thịt lợn hiện nay./.

Tạ Quang Đạo - Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/