Hơn 15 năm qua, cơ sở ươm cây giống Út Nay của gia đình ông Nhanh tạo được uy tín, cung cấp giống cây rau màu cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực máy đóng bầu đất và gieo hạt chân không, ông Nhanh cho biết, trước khi chuyển qua mô hình ươm cây giống rau màu trong nhà lưới ông đã có thời gian dài gắn bó với với nghề ươm cây giống rau màu theo kiểu truyền thống, nhưng chỉ là làm với quy mô nhỏ (khoảng 2.000 m2), tỷ lệ chết cao nên thu nhập không ổn định.
Năm 2005, anh quyết định đầu tư 4.000 m2 nhà phủ bạt để ươm cây giống rau màu. Sau năm đầu tiên áp dụng rất hiệu quả, cây giống phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh, tránh được mưa, gió...; cây giống của ông được khách hàng đánh giá cao. Từ đó, ông tiếp tục mở rộng.
Đến năm 2014, ông được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 315 triệu đồng để ông hoàn thiện hệ thống nhà màng che phủ, dàn kệ để khay xốp, máy đóng bầu đất, máy gieo hạt chân không, quạt thông gió và hệ thống tưới phun sương tự động...
Đến nay, ông Nhanh mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích lên đến hơn 12.000 m2 ươm các loại cây giống rau màu, nhờ ứng dụng công nghệ cao, đã giúp tăng chất lượng và số lượng cây giống cung cấp cho thị trường. Trung bình mỗi tháng cơ sở của ông cung cấp khoảng 1,5 triệu cây giống rau màu các loại cho khách hàng và giải quyết việc làm cho 40 lao động thường xuyên tại địa phương, với mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nhanh chia sẻ, nghĩ ươm cây giống rau màu dễ nhưng khi làm mới thấy khó. Để có giống tốt, không phải xới đất lên bỏ hạt là giống sẽ phát triển tốt, tất cả đều có bí quyết. Tùy loại hạt giống, loại cây mà có cách làm đất, chế độ nước tưới, nhiệt độ khác nhau. Đối với những cây hạt to thì nơi ươm hạt sẽ có độ xốp dày hơn các loại hạt khác nhỏ hơn như hạt đu đủ, cải xanh…
“Để cây giống tốt phải hạn chế phun thuốc hóa học và sử dụng phân vô cơ. Ngược lại, khi sử dụng phân hữu cơ nhiều thì tỷ lệ ghép cây thành công đạt rất cao, khách hàng ưa chuộng”, ông Nhanh nói. Chính nhờ cây ươm tốt nên nhiều năm qua, cây ươm của ông Nhanh được khách trên địa bàn tỉnh An Giang và Campuchia ưa chuộng.
Theo ông Nhanh, khoảng 3 - 4 năm nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây rau màu nên cây giống hút hàng, làm không đủ giao cho khác hàng; bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 cây giống rau màu các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Bước vào vườn ươm cây giống của ông Nhanh ai cũng ngỡ ngàng vì sự hiện đại hóa. Cây giống được ươm trên các khay xốp có lỗ nhỏ, được đặt trên hệ thống kệ cao khoảng 50cm so với mặt đất. Các cây giống khác nhau được chia tách thành từng khuôn nhỏ riêng biệt giúp việc chăm sóc được thuận lợi.
Ông Nhanh chia sẻ, ươm cây giống rau màu áp dụng công nghệ cao trong nhà lưới giúp tăng công suất gieo ươm cây giống lên 100%, giảm 30-50% công lao động, giảm hao hụt cây con từ 10% xuống còn 3% tại khâu gieo ươm, qua đó hạ giá thành sản xuất, chất lượng cây giống vẫn đảm bảo nên được khách hàng tin tưởng.
Thời gian tới, ông sẽ thuê thêm đất để mở rộng cơ sở sản xuất, bởi hiện tại, cây giống làm ra không đủ cung cấp cho khách hàng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Nhanh giúp đỡ các hộ dân trong xã có nhu cầu chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu cung cấp cây giống, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc…; tích cực tham gia các phong trào từ thiện xã hội như ủng hộ xây cầu nông thôn, xây nhà đại đoàn kết...
Ông Trần Nguyễn Duy Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Vĩnh nhận xét, mô hình ương cây giống của ông Lưu Văn Nhanh là một mô hình rất hiệu quả trên cả phương diện kinh tế gia đình cũng như an sinh xã hội.
Chỉ tính riêng năm 2016, thu nhập từ ươm giống cây rau màu mang lại thu nhập gần 3 tỷ đồng cho gia đình ông Nhanh. Không những thế, ông Nhanh tạo việc làm ổn định cho 40 lao động địa phương, nhất là các hộ nghèo ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo./.
Công Mạo/TTXVN