Thu trăm triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình VAC khoa học

Thu trăm triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình VAC khoa học
"Lão nông" Hoàng Văn Vấn ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái thu lãi cả trăm triệu mỗi năm nhờ mô hình nuôi, trồng xen kẽ, khoa học.

Sinh ra và lớn lên trên vùng cao hẻo lánh, nhà lại nghèo nhất bản, ngày lập gia đình cũng là ngày mà ông Hoàng Văn Vấn, 64 tuổi ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái bắt đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Trong những khó khăn chất chồng, hai vợ chồng trẻ vốn chưa thông thạo tiếng phổ thông càng thêm nỗ lực, cố gắng. Họ bắt tay vào khai phá đất hoang để làm ruộng nước, tích cực trồng thêm ngô, sắn để chăn nuôi. Nhờ cần cù, chịu thương, chịu khó, cuộc sống dần dần cũng đủ cái ăn, cái mặc.

thu tram trieu dong moi nam nho mo hinh vac khoa hoc hinh 1
Ông Hoàng Văn Vấn, 64 tuổi ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái thu lãi cả trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi, trồng xen kẽ, khoa học.

 

Năm 1990, ý tưởng về mô hình VAC được ông Vấn nghiền ngẫm và thực hiện. Việc đầu tiên ông làm là mở rộng diện tích ruộng nước từ nương sắn kém hiệu quả. Tiếp đó, ông đầu tư mua máy say sát phục vụ nhu cầu người dân trong vùng, vừa có nguồn thu, vừa có thêm thức ăn cho gia súc.

Trong quá trình phát triển kinh tế, đôi lúc kết quả không như mong muốn, nhưng ông Vấn chưa bao giờ nản trí. Ông nghe đài, xem ti vi để học tập kinh nghiệm bà con trong cả nước, rồi tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện tổ chức, từ đó áp dụng các phương thức chăn nuôi, cấy trồng khoa học và phù hợp hơn... Từ năm 2000, gia đình ông Vấn bắt đầu có của ăn, của để, có tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cả trăm triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Vấn tâm sự, từ khi mình chuyển đổi mô hình thì thu nhập cao hơn hẳn. Mỗi ngày thì mình cũng cần học thêm để làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Còn sức khỏe thì mình còn lao động. Tôi thấy vui vì tôi thực hiện được ước mơ thoát nghèo.

Ngoài việc canh tác 1 ha lúa nước, trồng gần 1 ha ngô đồi, gia đình ông Vấn còn chăn nuôi hàng trăm con gia súc gia cầm, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ biết tiết kiệm chi tiêu và tích lũy, gia đình ông đã làm được căn nhà sàn 9 gian, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt và máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, dù đã có tuổi nhưng ông Vấn vẫn hăng say tìm tòi, học hỏi để làm kinh tế. Ông cũng đi đầu trong việc tham gia thực hiện các phong trào như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Nông dân giúp nhau xoá đói, giảm nghèo.

Bà Lò Thị Pình, người dân thôn Lừu 2, xã Hát Lừu cho biết, ông Vấn là một người rất chịu khó. Ông cũng thường xuyên giúp đỡ bà con trong bản, truyền kinh nghiệm làm ăn cho lớp trẻ.  Mô hình làm ăn của ông Vấn bây giờ đang được nhiều bà con học tập...

Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy tinh thần vì lợi ích cộng đồng, từ năm 2011 đến nay, ông Vấn đã hiến trên 1.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, những lối nhỏ quanh co nay đã trở thành con đường rộng rãi, sạch đẹp, giúp cho bà con trong bản đi lại, trao đổi hàng hóa thuận tiện, các cháu học sinh đến trường thuận lợi hơn.

Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết, ngoài làm kinh tế ra thì gia đình ông Vấn còn là một gia đình tiêu biểu. Xã Hát Lừu được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Vấn đã đóng góp rất nhiều…

Với những nỗ lực và đóng góp của mình, ông Hoàng Văn Vấn đã được các cấp, hội từ tỉnh đến huyện ghi nhận, biểu dương. Ông cũng là tấm gương được bà con trong và ngoài bản noi theo. Từ đây, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả, bản làng vì thế ngày càng giàu đẹp hơn./.

Theo VOV