Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đắk Lắk sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và du lịch

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Đắk Lắk sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và du lịch
Tham gia đoàn công tác của Thủ tưởng Chính phủ Vương Đình Huệ ngày 15/9 tại tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể và sắp xếp, đổi mới, phát triển các nông lâm trường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, hướng phát triển của Đắk Lắk vẫn phải là sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và du lịch. Ngành nông nghiệp của Đắk Lắk tăng trưởng cao, 4,2% với nhiều ngành hàng đứng đầu cả nước như cà phê, tiêu, sắn,... Số lượng HTX hoạt động hiệu quả trên 70%, đóng góp 13% trong GRDP của tỉnh là mức rất cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, hướng phát triển của Đắk Lắk vẫn phải là sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và du lịch. Ngành nông nghiệp của Đắk Lắk tăng trưởng cao, 4,2% với nhiều ngành hàng đứng đầu cả nước như cà phê, tiêu, sắn,... Số lượng HTX hoạt động hiệu quả trên 70%, đóng góp 13% trong GRDP của tỉnh là mức rất cao.

Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới của Đắk Lắk chậm so với tỉnh khác và khu vực khác khi mới đạt hơn 28% số xã nông thôn mới và bình quân tiêu chí nông thôn mới được 14,08 tiêu chí, thấp hơn bình quân cả nước là 15,02 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao với 8,31% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 66%.

Để góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn, ông Hà Công Tuấn đề nghị Trung ương tiếp tục bố trí 400 tỷ đồng còn lại từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 cho Đắk Lắk.

Trong lĩnh vực sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Đắk Lắk là địa phương có nhiều công ty loại này nhất cả nước với 25 công ty thuộc Uỷ ban, 21 đơn vị thuộc các công ty nông lâm nghiệp trung ương. Đơn cử, Tổng công ty Cà phê Việt Nam có 17 công ty và 2 chi nhánh ở Đắk Lắk nhưng hiện nay chưa hoàn thành sắp xếp; 6 công ty nông lâm nghiệp khác có 100% vốn nhà nước giữ 64.000 ha rừng tự nhiên nhưng chưa có sự thay đổi về quản trị.

Với 9 công ty nông lâm nghiệp chuyển sang mô hình công ty 2 thành viên thì đã chuyển được 7 công ty và cơ bản sẽ hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị tỉnh cần báo cáo thêm về tình hình quản lý đất đai, xác định giá trị tài sản trên đất góp vào công ty 2 thành viên, việc xử lý các hộ nhận khoán và các vướng mắc trong hoạt động.

Bên cạnh đó, để giải thể 3 công ty là cà phê Buôn Ma Thuật, Dray H’ling và Cà phê- ca cao Krong Ana hay xử lý vướng mắc trong giải thể của các công ty nông lâm nghiệp khác trên cả nước do không thể thu hồi công nợ, Thứ trưởng Tuấn kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn từ Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp để xử lý vướng mắc này.

 

PV/omard.gov.vn (tổng hợp)