Thú y phải gánh trọng trách tạo nền tảng
- Thứ ba - 03/04/2018 23:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vai trò
Trên thế giới, thú y là ngành có từ lâu đời do yêu cầu thực tiễn cuộc sống, do vai trò và trách nhiệm của nó trong xã hội. Ở nhiều quốc gia, thú y được đặc biệt coi trọng. Thú y được xem là ngành bảo vệ sức khỏe, không những cho con vật mà còn cho con người. Ngành thú y giải quyết các vấn đề về thực phẩm từ gốc, trong khi đó ngành y tế giải quyết vấn đề sau khi tiêu dùng thực phẩm mà phát sinh bệnh như ngộ độc thực phẩm. Từ trang trại đến khi ăn vào là ngành thú y có trách nhiệm. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, thì các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể lây lan giữa các quốc gia một cách nhanh chóng thông qua các con đường như buôn lậu động vật qua biên giới, qua khách du lịch. Biến đổi khí hậu hay những tác nhân gây ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân khiến cho các loại bệnh có nguồn gốc từ động vật có khả năng lây sang người ngày càng tăng. An toàn vệ sinh thực phẩm ngày nay cũng chính là vấn đề nóng cần được giải quyết, nhất là những thực phẩm có nguồn gốc động vật. Tương lai không xa, con người sẽ phải đối mặt với các dịch bệnh từ động vật lây sang người rất lớn, nhất là những dịch bệnh do siêu vi trùng gây ra. Bởi vậy, lĩnh vực thú y và khoa học thú y ngày càng trở nên quan trọng.
Công tác thú y trong chăn nuôi ngày càng được chú trọng Ảnh: Tất Sơn
Rất được chú trọng
Trong những năm qua, ngành thú y luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như các tổ chức có liên quan và đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Hệ thống thú y được tăng cường, mạng lưới thú y đã được tổ chức đến xã, phường; một số tỉnh còn có hệ thống thú y đến tận thôn. Ngành thú y đã làm chủ công việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, Ðảng và Nhà nước cũng đã chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều chính sách, quy định của pháp luật.
Trong những năm gần đây, dịch cúm gia cầm hay lở mồm long móng đều đã được ngành thú y kiểm soát rất hiệu quả. Dịch bệnh thông thường khác trên động vật nuôi về cơ bản vẫn ổn định, không có biến động lớn. Ngành cũng đã xây dựng hệ thống chẩn đoán, xét nghiệm với các phòng xét nghiệm thú y được đầu tư dụng cụ, máy móc hiện đại với nhiều cán bộ được đào tạo, tập huấn ở nước ngoài, quy trình chẩn đoán bệnh động vật được xây dựng hài hòa với quốc tế, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Các loại thuốc thú y đều được kiểm nghiệm chất lượng trước khi đăng ký lưu hành tại các phòng kiểm nghiệm của Cục Thú y. Về cơ bản, thuốc thú y sản xuất trong nước đáp ứng trên 70% nhu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước. Trong năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm hơn 200.000 liều vaccine phòng bệnh tai xanh đạt yêu cầu vô trùng và an toàn tuyệt đối với thời gian bảo vệ là 4 tháng. Dự kiến trong năm 2018, sản phẩm này sẽ được đưa ra thị trường.
Không những thế, thời gian tới Việt Nam sẽ tự chủ sản xuất vaccine lở mồm long móng trên gia súc. Ðây là thông tin được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết tại Lễ công bố và chuyển giao giống virus lở mồm long móng cho các doanh nghiệp dùng để sản xuất vaccine. Theo đó, đây là lần đầu tiên cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp thuộc ngành thú y Việt Nam cùng phối hợp tổ chức nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm vaccine lở mồm long móng có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn. Cụ thể đây là virus thuộc type O với tên gọi “RAHO6/FMD/O-135” thuộc bản quyền của Chi cục Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y.
Nền móng
Tuy nhiên đến nay ở nước ta, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm còn kém. Ðặc biệt là tình trạng sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang tràn lan. Do đó, trách nhiệm của ngành thú y càng nặng nề hơn trong việc phòng chống dịch bệnh, bệnh lây từ động vật sang người và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trước yêu cầu phát triển của chăn nuôi trong nền nông nghiệp thông minh, ngành thú y cần tiếp tục đổi mới để trở thành “kim chỉ nam” của người chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi nói chung, thú y nói riêng từng bước chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp chủ động phòng bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; tăng cường, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thú y ngày càng vững mạnh về lực lượng, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, tư tưởng đạo đức để đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển; đẩy mạnh tập huấn cho đội ngũ thú y viên cơ sở; nâng dần vai trò nhân viên khuyến nông thú y cấp xã. Cùng với đó là việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; chủ động tham mưu cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi thú y. Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi phải gắn với tiêu thụ sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, doanh nghiệp; tăng cường công tác tiêm phòng vaccine, xây dựng điểm cung ứng vaccine ở các địa phương; triển khai hệ thống giám sát dịch bệnh nguy hiểm đến tận trang trại, hộ chăn nuôi; đẩy mạnh giám sát chủ động phi lâm sàng; tăng cường hệ thống mạng lưới thú y cấp huyện, xã nhằm phát hiện nhanh dịch bệnh, hành động kịp thời, kiên quyết khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường chăn nuôi; hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học; từng bước thực hiện các tiêu chuẩn về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường các cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm; tổ chức kiểm dịch động vật vận chuyển từ gốc.
Nguồn: nguoichannuoi.com