Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ

Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ
Ngày 28/8, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị. Cùng tham dự còn có 500 đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành, tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp, địa phương trong cả nước.
 
 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

Đến tháng 6 năm 2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2 nghìn 487 sản phẩm, tăng 3,5 lần so với cuối năm 2017, tăng nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ được công nhận vào cùng thời điểm. Cả nước hiện có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ trong tổng số 838 nhà máy sản xuất phân bón.

Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là những phế phụ phẩm trong nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn. để đạt mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ.

Các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ cần tập trung nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất cũng như đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra từ khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón; đẩy mạnh tập huấn nâng cao nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ. Đồng thời hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng phân bón cũng như phối hợp với các doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình sử dụng phân bón hữu cơ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau 2 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về định hướng sản xuất hữu cơ cụ thể là ứng dụng phân hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp đã cơ bản chuyển đổi được nhận thức của xã hội. Đến nay đã hoàn thiện được các thiết chế hạ tầng bao gồm từ Luật Trồng trọt, Nghị định hữu cơ 109, Nghị định phân bón 108 định hướng rất rõ khuyến khích phát triển ứng dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, với sự ủng hộ tích cực của nông dân, doanh nghiệp nên chỉ trong gần 2 năm triển khai, công suất sản xuất phân bón hữu cơ đã tăng gấn 1,5 lần.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xác định đây là con đường tất yếu của nông nghiệp Việt Nam, vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về phân bón hữu cơ bằng cách cụ thể hóa Luật Trồng trọt, Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ, cụ thể hóa Nghị định về khuyến khích đầu tư để các doanh nghiệp vào cuộc nhiều hơn. Việc đưa phân bón hữu cơ vào canh tác hữu cơ, canh tác nông nghiệp sạch không chỉ là một trào lưu mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, định dạng sản xuất nông nghiệp thời gian tới, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

"Đối với doanh nghiệp đây là cơ hội, chúng ta có 15 triệu ha canh tác hàng năm với nhu cầu bình quân khoảng 80 triệu tấn phân hữu cơ cho canh tác 15 triệu ha, như vậy "dư địa" của lĩnh vực này là rất lớn. Đến năm 2020 giả sử đạt 3 triệu tấn thì như vậy tiềm năng thời gian tới còn rất lớn để tổ chức sản xuất trong khi đó nguyên liệu đầu vào chúng ta rất chủ động. Về khu vực sản xuất đề nghị các địa phương triển khai Luật Trồng trọt, Nghị định 109 về sản xuất phân bón hữu cơ để tuyên truyền cho các đối tượng sản xuất từ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch là hướng đi tất yếu, không có con đường nào khác” -  Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ NN&PTNT/ mard.gov.vn