Thực hiện chính sách xã hội là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị

Thực hiện chính sách xã hội là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trong 3 năm qua, tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội tăng mạnh từ 191.000 tỉ đồng (năm 2012) lên gần 260.000 tỉ đồng (năm 2014). Năm 2015, ước tính tổng chi an sinh xã hội hơn 307.000 tỉ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người chính sách có công, người nghèo, dân tộc thiểu số và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cải thiện.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTXVN


Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện NGhị quyết 70 NQ-CP  khẳng định, Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020" là một chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân, làm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành cũng như người dân trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội.
 
Mặc dù giai đoạn 2012-2015 còn nhiều khó khăn, song Quốc hội, Chính phủ vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên nguồn lực và tập trung chỉ đạo đối với chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
 
Cụ thể, trong giai đoạn 2012-2015, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách trên tất cả các lĩnh vực xã hội theo Nghị quyết số 15; hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội và an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm, tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
 
Trong lĩnh vực người có công, đến nay cả nước có gần 1,4 triệu người có công đang được hưởng trợ cấp hằng tháng, tăng 94.000 người so với năm 2012; ngân sách Nhà nước dành cho việc thực hiện chính sách người có công tăng dần qua từng năm, nếu năm 2012 là hơn 25.646 tỉ đồng thì con số này đến năm 2014 đã tăng lên trên 31.000 tỉ đồng; phong trào đền ơn đáp nghĩa, thắp nến tri ân không ngừng được mở rộng và phát triển.

Trong lĩnh vực việc làm, giai đoạn 2012-2015 bình quân mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa khoảng 340.000 người đi làm việc tại nước ngoài; tỉ lệ thất nghiệp chung tiếp tục giảm từ 2,18% năm 2012 xuống còn 2,08% năm 2015.

Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, đã có gần 4 triệu lượt người nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách với dư nợ khoảng 67.000 tỉ đồng; 8 triệu lượt học sinh được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập; bình quân mỗi năm có khoảng 4 triệu người nghèo được cấp thẻ BHYT; Chương trình 30a đã đầu tư trên 5.700 công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu dân sinh tại các huyện nghèo.
Nếu năm 2012 tổng chi cho an sinh xã hội bằng 5,88% GDP của nền kinh tế thì đến năm 2015 con số này tăng lên khoảng trên 6,6% GDP.
 
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách xã hội, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện nghị quyết một cách quyết liệt, cụ thể.

Theo Thủ tướng, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta đang giảm đáng kể, tuy nhiên thời gian tới, khi áp dụng chuẩn nghèo mới theo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên.
 
Cũng theo Thủ tướng, hiện nay diện nghèo chủ yếu tập trung vào những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, việc quan trọng là cần tập trung chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi. Do vậy, việc thực hiện các chính sách xã hội là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. 
Theo hoinongdan.org.vn