Thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Tinh gọn để phục vụ Nhân dân tốt hơn

Thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Tinh gọn để phục vụ Nhân dân tốt hơn
Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (Nghị quyết số 97/NQ-QH14). Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội


Thể hiện trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu
 
Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước. Bộ máy chính quyền của Thành phố hiện nay đang thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đầy đủ 3 cấp, trong khi đặc điểm khu vực đô thị là dân cư sống rất tập trung, mật độ dân cư cao nên hoàn toàn có thể giảm bớt một cấp chính quyền để giảm tầng nấc, làm gọn nhẹ hệ thống hành chính và giúp cho các quyết định, điều hành của UBND Thành phố, các quận, huyện, thị xã đối với cơ quan hành chính cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, những thách thức ngày càng tăng của quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, an ninh trật tự đối với Thủ đô đòi hỏi một cơ chế chính sách hợp lý cũng như mô hình quản lý phù hợp với đặc điểm của Thành phố.
 
Thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, tháng 2/2018, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo để xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Trong quá trình đó, thành phố đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn để xây dựng Đề án. Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội: Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát; triển khai xây dựng 8 chuyên đề nhánh; tổ chức 8 hội thảo, trong đó, có 4 hội thảo đóng góp ý kiến vào các nội dung của 8 chuyên đề, 4 hội thảo xin ý kiến lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã và cán bộ chủ chốt của 584 xã, phường, thị trấn của Thành phố về các nội dung của Đề án. 
 
Thành phố cũng nhiều lần xin ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương bằng hình thức trực tiếp và văn bản; báo cáo xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ về nội dung của Đề án trước khi trình Bộ Chính trị. Với mục tiêu xây dựng một mô hình quản lý chính quyền đô thị thành phố Hà Nội - đô thị đặc biệt theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển, Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo Đề án còn tiếp thu có chọn lọc mô hình chính quyền đô thị trên thế giới thông qua việc khảo sát tại một số quốc gia; học tập kinh nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và một số địa phương khác”.
 
Cùng với đó, Thành phố đã tiến hành rà soát thu thập số liệu phục vụ xây dựng Đề án với 88 cơ quan, đơn vị trực thuộc, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương; 30 quận, huyện, thị xã; tổ chức điều tra xã hội học với hơn 7.600 phiếu tới 3 nhóm đối tượng: Cán bộ chủ chốt cấp huyện, cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn và tổ dân phố. Các ý kiến đóng góp đều thể hiện sự đồng tình với nội dung Đề án.
 
Tại phiên họp ngày 5/4/2019, sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trình “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 46-KL/TW, ngày 19/4/2019. Bộ Chính trị đánh giá cao Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Đề án theo định hướng của Trung ương. Đề án được Hà Nội chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học; tiếp thu nhiều ý kiến của các cơ quan, các nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân. Đề án đã đề xuất nhiều nội dung đổi mới về cơ chế và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị và thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội...
 
Xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân
 
Với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (Nghị quyết số 97/NQ-QH14). Đây là dấu ấn quan trọng, được Hà Nội lựa chọn là sự kiện đầu tiên trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2019.
 
Theo Nghị quyết được Quốc hội ban hành, mô hình chính quyền 3 cấp đầy đủ HĐND, UBND được tổ chức tại cấp Thành phố, cấp quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn thuộc các huyện. Tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây (177 phường) chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã.
 
UBND phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. UBND phường loại I và loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch; phường loại III có 1 Phó Chủ tịch. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của UBND phường. Chế độ làm việc của UBND phường theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường sẽ được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển theo quy định. HĐND, UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị quyết này kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 2021-2026. HĐND, UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021. Kể từ ngày 01/7/2021, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết số 97/NQ-QH14.
 
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31/12/2019 để triển khai thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp; đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương với Thành phố; giữa Thành phố với các cấp chính quyền cơ sở; tạo sự chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp Thành phố; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc cụ thể, cách thức tiến hành, thời gian, tiến độ hoàn thành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị.
 
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, mục tiêu của việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là xây dựng hệ thống chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân. Cùng với thí điểm chính quyền đô thị, Hà Nội đang tập trung xây dựng chính quyền điện tử và Thành phố thông minh, nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng CNTT để mở rộng cung cấp các loại dịch vụ công. Các cơ sở dữ liệu cốt lõi cũng sẽ được hoàn thiện, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân. 
 
Đặc biệt, Thành phố cũng đang triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường và thôn, tổ dân phố; thực hiện bố trí, kiêm nhiệm đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường và thôn tổ dân phố để tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời, nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư... Một trong những nội dung quan trọng tiếp theo của việc thực hiện Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền để các cấp phát huy năng lực của hệ thống, giải quyết được các vấn đề của địa phương. Nội dung này sẽ được thành phố Hà Nội tiếp tục xây dựng và trình Quốc hội ở kỳ họp tiếp theo.

Nguyễn Văn/ https://hanoi.gov.vn/