Thuốc BVTV 'giá rẻ' mua bán quá dễ, lạm dụng thuốc và hồi chuông cảnh báo
- Thứ năm - 26/07/2018 22:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lợi ích nhóm
Theo ông Trương Quốc Tùng - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ Thực vật (BVTV) Việt Nam, lịch sử dùng thuốc BVTV ở nước ta được bắt đầu ở miền Bắc vào năm 1955. Nó tỏ ra là phương tiện quyết định, nhanh chóng dập tắt các dịch sâu bệnh trên diện rộng. Nếu không có thuốc BVTV nhiều dịch hại cây trồng có thể làm giảm 40-60% năng suất trên diện rộng, cục bộ có thể mất trắng.
Vỏ bao thuốc BVTV vứt bừa bãi ở một vùng trồng rau sạch |
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV ở nước ta tăng quá nhanh. Mạng lưới sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cũng vì đó mà phình to một cách bất thường. Nét nổi cộm nhất, bất hợp lý nhất là số doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh thuốc BVTV hiện nay còn tự phát, lộn xộn, quá mức cần thiết, khó kiểm soát, gây nhiều hệ lụy xấu cho việc sử dụng thuốc BVTV, bảo vệ mội trường và an toàn thực phẩm.
Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh thuốc BVTV, khoảng 100 nhà máy sản xuất thuốc BVTV và hơn 30 ngàn đại lý buôn bán thuốc BVTV. Đáng chú ý là thực sự chỉ khoảng 15-20 doanh nghiệp chi phối, kiểm soát hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc BVTV. 15 công ty hàng đầu kiểm soát xấp xỉ 80% doanh số bán ra, riêng Lộc Trời là 20 -25%. 15 doanh nghiệp kiểm soát 71% lượng nhập khẩu thuốc trừ cỏ, 55-60% nhập khẩu thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh. 11 doanh nghiệp chiếm 76% thị phần xuất khẩu thuốc BVTV. Rõ ràng hàng trăm doanh nghiệp khác là không cần thiết cho việc sản xuất kinh doanh thuốc BVTV ở ta hiện nay.
Những doanh nghiệp này tồn tại bắt buộc phải kinh doanh kiếm thu nhập và phát sinh việc mua đi bán lại, tăng giá, làm hàng giả và nhiều chuyện tiêu cực khác kể cả lợi ích nhóm (như đăng kí, khảo nghiệm thuốc, danh mục thuốc BVTV…). Trong khi đó hệ thống thanh tra BVTV rất mỏng, yếu, cơ chế hoạt động rất khó khăn. 1 thanh tra viên phụ trách 290 đơn vị sản xuất buôn bán thuốc BVTV, 100.000ha trồng trọt sử dụng thuốc BVTV và 10 vạn hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV nên quá tải, rất khó kiểm soát.
Chúng ta đang dùng lượng thuốc BVTV so với thế giới là nhiều hay ít? Cũng theo ông Tùng, dựa vào các số liệu từ năm 2010-2016 của nhiều tổ chức như GIFAP, SARAZI, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh VN… thì lượng thuốc BVTV dùng hàng năm ở Việt Nam vào khoảng trung bình thế giới. Bình quân thế giới tiêu thụ 6-7USD/người, Việt Nam là 5-6USD/người, một số nước nông nghiệp trình độ cao (Mỹ, Pháp, Brazil) là 12-13USD/người. Tính theo trọng lượng, Trung Quốc tiêu thụ 1,2 kg/người/năm còn Việt Nam là 0,9 kg/người/năm. Tuy vậy do diện tích canh tác nông nghiệp của Việt Nam thấp nên có thể mức sử dụng trên diện tích nông nghiệp có thể cao hơn. Nếu nhìn vào số lượng thuốc BVTV sử dụng ở một số cây trồng và một số nơi (rau, quả, lúa...) thì có cao và nhất là cao hơn mức cần thiết (khoảng 30-40%).
Tăng gấp mấy chục lần trong thời gian ngắn
Trong báo cáo “Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam” của Nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới (WB), hợp phần trồng trọt do Nguyễn Hồng Tín thực hiện có nêu rõ: “Việc bãi bỏ quy định hạn chế nhập khẩu vào năm 1991 cho phép giá các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, và các đầu vào khác giảm 50% trong vài năm tiếp theo… Sự sẵn có của phân bón và thuốc trừ sâu rẻ ở thị trường địa phương và việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương đang khuyến khích nông dân sử dụng nhiều hơn”.
Các công ty thuốc trừ sâu thường dành rất nhiều tiền vào quảng cáo và tài trợ các hoạt động và chương trình ở các khu vực nông thôn như là cầu nối của nông dân trên truyền hình, trong các lễ hội. Những hoạt động quan hệ công chúng làm cho họ nổi tiếng và được đánh giá cao bởi người nông dân và chính quyền địa phương, vì vậy cuối cùng họ đã bị thuyết phục và sẵn sàng để thử chúng.
Về phía cung, một lượng lớn thuốc trừ sâu và hóa chất được nhập khẩu hoặc nhập lậu từ Trung Quốc qua biên giới mỗi năm… “Mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi việc theo dõi và kiểm soát việc sử dụng thuốc trừ sâu và kinh doanh ở khu vực nông thôn đã không tồn tại. Mọi người đều có thể mua thuốc trừ sâu dễ dàng từ người bán sỉ hoặc các nhà bán lẻ với giá thấp cho tất cả các loại mục đích. Cuối cùng, chất lượng thuốc trừ sâu không đáng tin cậy cũng làm cho nông dân tăng liều hoặc sử dụng nhiều hơn để đảm bảo hiệu quả”. Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tập trung chủ yếu vào khối lượng sản xuất và giá trị xuất khẩu trong khi ít chú ý tới chất lượng và tính bền vững.
Chuẩn bị cho một buổi phun thuốc trừ cỏ |
Kết quả là thâm canh đã diễn ra dựa trên đầu vào cao và hóa chất nông nghiệp. Sự tăng trưởng dựa trên đầu vào đã dẫn đến chi phí xã hội và môi trường cao, mà lại không bền vững trong dài hạn. Trong các thị trường quốc tế, chất lượng và giá gạo và cà phê Việt Nam thường thấp hơn so với các nước xuất khẩu lớn khác ở châu Á và Nam Mỹ. Thực thi pháp luật trong việc giám sát sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất nông nghiệp và ô nhiễm nông nghiệp, nói chung là yếu. Hiện nay, sự tuân thủ của người nông dân với tiêu chuẩn GAP là vẫn còn tùy chọn và không bắt buộc.
Tất cả những yếu tố đó đã cộng hưởng thành một hệ quả nặng nề là lạm phát thuốc. Trong giai đoạn 1981 - 1986, Việt Nam nhập khẩu chỉ khoảng 6.500 - 9.000 tấn hoạt chất có thành phần thuốc trừ sâu (trung bình 0,3 kg hoạt chất (ai)/ha); sau đó tăng lên đến 13.000 - 15.000 tấn/năm trong giai đoạn 1986 - 1990 (trung bình 0,4 - 0,5 kg ai/ha); 20.000 - 30.000 tấn/năm (trung bình 0,67 - 1,0 kg ai/ha) trong giai đoạn 1991 - 2000; 33.000 - 75.000 tấn/năm (trung bình 2,54 kg ai/ha) trong giai đoạn 2001-2010 và lên đến khoảng 100.000 tấn/năm vào năm 2015 (năm 2017 khoảng 120.000 tấn/năm/PV).
Theo khảo sát của Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam chỉ có khoảng 30-60% nhóm đối tượng nông dân, đại lý thuốc và cán bộ BVTV cơ sở biết cách sử dụng đúng thuốc. |
Cùng với xu hướng đó, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu tăng nhanh chóng từ khoảng vài triệu đô la Mỹ trong những năm 1990 - 1991 lên khoảng trên 800 triệu USD năm 2017. Trong mười năm (2000 - 2011), số lượng các loại thuốc trừ sâu đã được đăng ký và sử dụng tại Việt Nam đã tăng gấp 10 lần. Trước năm 2000, số lượng ai là khoảng 77, tương ứng với 96 sản phẩm, kinh doanh; trong năm 2000, tăng lên đến 197, tương ứng với 722 sản phẩm, kinh doanh; và vào năm 2011, nó tăng lên đến 1.202, tương ứng với 3.108 sản phẩm thương mại. Về phân loại, 45% là thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm 27% và 28% thuốc trừ sâu và những loại khác...
Hồi chuông cảnh báo
Người ta ước tính rằng mỗi năm có khoảng 69.238 kg và 43.574 lít thuốc trừ sâu và 69.640 kg gói hóa chất được đưa vào môi trường xung quanh mà không được xử lý thích hợp. Chúng gây ra vấn đề môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là đất, bề mặt và ô nhiễm nước ngầm.
Bình phun thuốc thường được để ở một góc nhà, góc kho ở nhiều gia đình |
Còn người nông dân, chủ thể của quá trình sử dụng thuốc BVTV thì sao? Họ quan tâm hiệu quả của các loại thuốc diệt sâu bệnh hơn là chú ý đến sức khỏe của chính họ và môi trường. Việc sử dụng không đúng các loại thuốc trừ sâu và xử lý không đúng các chất thải thuốc trừ sâu, trong số những yếu tố khác, đang góp phần làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, đất, và các vấn đề sức khỏe cho cộng đồng địa phương.
Tại các tỉnh phía Nam khoảng 38 - 70% nông dân sử dụng thuốc trừ sâu cao hơn mức đề xuất. Ở đồng bằng sông Hồng, nông dân áp dụng thuốc trừ sâu 5 lần mỗi vụ lúa còn ở ĐBSCL lên đến 6 lần mỗi vụ lúa. Sai phạm phổ biến là sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm, dùng quá liều, tự phối trộn và thu hoạch sản phẩm ngay sau khi phun thuốc trừ sâu…
“…Mỗi năm có khoảng 1.790 tấn molluscicides hoạt chất, 210 tấn thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn thuốc trừ sâu và 4.245 tấn hoạt chất thuốc diệt nấm bị lãng phí, sử dụng không cần thiết quá mức trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Những hóa chất này trực tiếp và gián tiếp gây ra ô nhiễm không khí, nước và ô nhiễm đất và các vấn đề sức khỏe con người. Nó cũng làm tăng chi phí sản xuất và giảm chất lượng của các sản phẩm từ Việt Nam”. (Báo cáo WB, 2017).
“Nhiều Công ty BVTV đang chuyển hướng hoạt động, xuất khẩu thuốc BVTV nhất là tạm nhập tái xuất. Năm 2016-2017 xuất khẩu trên 3500 tấn thuốc BVTV sang Camphuchia, Lào, Myanmar...). Theo tôi xu hướng này nên khuyến khích”. Ông Trương Quốc Tùng- Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật BVTV. |