Thưởng Tết ngân hàng: Kẻ cười, người khóc

Nhân viên của không ít nhà băng ngậm ngùi về mức thưởng Tết Đinh Dậu 2017.
Hầu hết các nhà băng đều bí mật chuyện lương, thưởng dịp Tết

Lâu nay, với lĩnh vực ngân hàng, chuyện lương, thưởng Tết luôn là đề tài được dư luận quan tâm, nhất là đối với dân làm tài chính. Những năm trước, lợi nhuận của nhiều nhà băng đạt mức “khủng”, nên thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên khá “xông xênh”, có ngân hàng lên đến chục tháng lương. Thế nhưng, trong khoảng 3 năm trở lại đây, khi nợ xấu ngành ngân hàng gia tăng, dự phòng rủi ro khó giảm, nên nhiều nhà băng phải cắt giảm chi phí, kể cả chuyện lương, thưởng Tết.

Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị một ngân hàng có vốn trên 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM chia sẻ, 2 năm gần đây, lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm, không đạt được mục tiêu đề ra và thậm chí phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Vì vậy, ngân hàng phải tiết giảm chi phí đầu vào cũng như đầu ra và không loại trừ đến việc ảnh hưởng tiền thưởng cuối năm.

Theo vị này, những năm trước, quỹ phúc lợi luôn tăng, lợi nhuận đạt chỉ tiêu đề ra (có năm đạt trên 1.000 tỷ đồng), nên cán bộ, nhân viên ngoài tháng lương 13 còn được thưởng thêm từ 2 - 4 tháng lương (tùy từng vị trí). Nhưng năm nay, đến hết quý III/2016, lợi nhuận của ngân hàng ông chưa đạt nổi 100 tỷ đồng, do phải trích dự phòng rủi ro cao, nên Tết Đinh Dậu khả năng nhân viên nhà băng này khó có tháng lương thứ 13.

Ngoài các nhà băng sụt giảm lợi nhuận, nhân viên được thưởng Tết “hẻo”, những ngân hàng đang tái cơ cấu sau giai đoạn sáp nhập, hợp nhất (M&A) như Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí (GPBank)… cũng  được dự đoán là mức thưởng Tết sẽ khiêm tốn, do phải dành mọi nguồn lực để tái cơ cấu.

Chị Minh Hằng, nhân viên kinh doanh của một chi nhánh ngân hàng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình (TP.HCM) cho hay, năm ngoái chị còn được nhận thương tháng 13, năm nay thì chưa thấy tín hiệu gì, nhiều khả năng chỉ được tiền theo kiểu “lì xì” tượng trưng.

Thời gian của năm tài chính 2016 đang dần đi qua và chỉ khoảng 1 tuần nữa là kết thúc, nhưng không phải nhà băng nào cũng đạt mục tiêu lợi nhuận, kể cả những ngân hàng lớn, bởi thế, hầu hết các nhà băng đều bí mật chuyện thưởng Tết.

Duy chỉ có Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là nhà băng đầu tiên tiết lộ về chuyện thưởng Tết. Lãnh đạo Techcombank cho biết, đã có kế hoạch thưởng Tết Đinh Dậu 2017. Theo đó, toàn bộ cán bộ, công nhân viên đều được nhận thêm tháng lương thứ 13. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào hiệu quả kinh doanh của đơn vị cũng như hiệu quả công việc của cá nhân, sẽ được nhận thêm một phần thưởng Tết, dao động từ 1,5 đến 6 tháng lương. Như vậy, mức thưởng Tết cao nhất của Techcombank tới 7 tháng lương.

Chia sẻ với báo giới, bà  Phạm Vũ Minh Đan, Giám đốc Khối Quản trị nguồn nhân lực của Techcombank cho hay, sở dĩ Techcombank có mức thưởng Tết vượt trội là do Ngân hàng đạt kết quả kinh doanh năm 2016 cao. Kết thúc 3 quý của năm 2016, Techcombank đã đạt lợi nhuận trước thuế gần 2.900 tỷ đồng, đứng thứ hai trong số các ngân hàng cổ phần tư nhân.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP  Á Châu (ACB), ông Đỗ Minh Toàn cũng cho hay, 3 quý của năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 1.244 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015. Thế nhưng, đến thời điểm này ACB vẫn chưa tiết lộ mức thưởng Tết Đinh Dậu cho cán bộ nhân viên, do Ngân hàng chưa quyết toán cuối năm. Với ACB, thưởng Tết cho cán bộ nhân viên được xem xét trên nhiều yếu tố như: kết quả kinh doanh, chỉ tiêu phân giao có hoàn thành và số điểm xếp hạng của từng cá nhân.

“Những năm trước, dù hoạt động ngành ngân hàng có khó khăn và nhiều nhà băng nói không với thưởng Tết, nhưng ACB vẫn luôn đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Toàn nói.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thưởng Tết là không bắt buộc, không quy định trong Bộ luật Lao động. Song, Bộ khuyến khích các doanh nghiệp nên thưởng Tết  để động viên và cũng là cách giữ chân người lao động.

Vân Linh
http://baodautu.vn/