Tích tụ ruộng đất, phải để nông dân trụ được và có tương lai
- Thứ bảy - 01/04/2017 10:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở nhiều nơi, nhiều địa phương do ruộng đồng mạnh mún, nhỏ lẻ, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, nên tình trạng nông dân bỏ ruộng, đất đai bị bỏ hoang diễn ra phổ biến, gây lãng phí tài nguyên.
Tại cuộc tọa đàm về cởi trói hạn điền để phát triển nông nghiệp do Báo Tiền Phong tổ chức tại Hà Nội ngày 30/3, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Đặng Kim Sơn nhận định: Vấn đề "cởi trói" hạn điền đã chín muồi, không có gì nhạy cảm. Lẽ ra vấn đề này phải đặt ra cách đây hàng chục năm trước.
TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn nêu quan điểm: “Giao đất cho nông dân phải là vĩnh viễn. Chúng ta đã lỡ mất một nhịp, vì thế câu chuyện lúc này là quá cấp bách”.
“Xé rào” để tích tụ ruộng đất
Ông Sơn cũng cho rằng, vướng mắc hiện nay trong việc tích tụ ruộng đất là về thủ tục, trong khi quá nhiều hộ nông dân nhỏ, nên một đơn vị giao dịch có nhiều cản trở về mặt thủ tục. Bên cạnh đó là vấn đề công bằng. “Nông dân giao đất lại, giờ họ đi đâu, làm gì? Phần lớn lao động phi chính thức, lao động không hợp đồng, và họ có thể quay về lấy lại đất bất kỳ lúc nào. Với họ đất đai trở thành vật bảo hiểm nên họ giữ khư khư,” TS. Sơn phân tích.
Theo chuyên gia nông nghiệp này, công nghiệp phát triển, kinh tế đô thị phát triển nhưng nông dân không có công việc ổn định, rủi ro rất lớn, vốn không có, bảo hiểm không có... “Vì thế, câu chuyện đặt ra là khi tích tụ đất lớn, nông dân có trụ được không? Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng, để người nông dân có tương lai, người lao động có thể chuyển sang thị trường lao động khác được”, ông Sơn lưu ý.
Đồng quan điểm với TS. Sơn về tích tụ ruộng đất, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cho rằng, bên cạnh cởi trói về hạn điền thì cần một số chính sách khác để “cởi trói” cho nông nghiệp. Người làm nông nghiệp không chỉ cần đất, mà còn cần thị trường, vốn đầu tư…
Ông Ngọc nhấn mạnh: Nếu tiếp tục phát triển nhỏ lẻ, không gắn với tiêu thụ, thị trường sẽ diễn ra cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Để phát triển nông nghiệp bền vững và có giá trị cao, cần phải hướng đến nền sản xuấy hiện đại, quy mô lớn, gắn chặt sản xuất với tiêu thụ.
“Để sản xuất lớn thì phải có quỹ đất và kêu gọi được các doanh nghiệp cũng như các hộ dân có điều kiện để tập trung vào đầu tư, phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả. Hà Nam phải có các giải pháp tích tụ ruộng đất và có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vì các doanh nghiệp ở Hà Nam rất nhiều nhưng đầu tư vào nông nghiệp rất ít bởi đầu tư lớn mà tính chắc chắn, hiệu quả không cao. Nên doanh nghiệp không có cơ chế đặc thù thì rất khó thu hút,” Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam chia sẻ.
Ông Ngọc cũng cho biết, Hà Nam đã triển khai tích tụ ruộng đất theo phương thức chính quyền cấp xã, huyện ký kết thuê đất của người dân trong 20 năm. Sau đó cho doanh nghiệp thuê lại để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù điều này chưa có quy định trong luật đất đai năm 2013, nhưng Hà Nam vẫn làm để phát triển nông nghiệp.
Tránh “va chạm” giữa nông dân và doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Vấn đề tích tụ ruộng đất để nâng cao hiệu quả sản xuất đã có chủ trương từ lâu. Tuy nhiên trên thực tế, bước đi và hành động của chúng ta chưa đủ quyết liệt, còn những vướng mắc nhất định. Chủ trương của ta rất rõ, vấn đề bây giờ là cách làm và bước đi ra sao?
“Nhu cầu tăng quy mô sản xuất xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Chúng ta có giai đoạn chưa đủ lương thực để ăn. Khi đóng góp của nông nghiệp vào nền kinh tế dưới 30%, lao động nông nghiệp dưới 50%, chúng ta bước vào giai đoạn chuyển đổi, phải đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững,” ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, cần có quy mô sản xuất nông nghiệp lớn hơn, tăng hiệu quả hơn. Muốn vậy phải có cơ giới hóa, có trí thức, có sự tham gia của doanh nghiệp… để chuyển đổi sang kinh doanh nông nghiệp. Một trong những nút thắt mà mọi người nói là hạn điền, với 2 loại hình: giao đất cho hộ nông dân và hạn mức giới hạn quyền sử dụng đất. Người dân vẫn lấn cấn về câu chuyện 'sổ đỏ’, khiến người muốn làm nông nghiệp bài bản có chút băn khoăn.
Ông Tuấn cũng bày tỏ quan điểm, từ chủ trương đến thực tiễn triển khai phải có quyết tâm, mạnh dạn, đồng bộ để người sử dụng đất hiệu quả nhất, muốn làm nghề nông hiệu quả, không lo về rủi ro.
Băn khoăn về việc tập trung diện tích đất lớn, tạo nên cánh đồng lớn nhưng không động đến quyền sử dụng đất của nông dân, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, doanh nghiệp thuê đất của nông dân, đất vẫn thuộc về nông dân, không thay đổi quyền sử dụng đất của họ. Còn quá trình tích tụ thì có chuyển quyền.
GS. Võ nêu ra câu chuyện phức tạp: Khi phát triển công nghệ cao sẽ phát sinh nhiều thứ, ví dụ câu chuyện thuê đất của người dân, sẽ hình thành nhà kho, cơ sở chế biến, xây dựng tạm…, nhưng thực tế lại không được.
Ở Lâm Đồng đã có chuyện sau khi thuê đất của người dân, lại xảy ra chuyện yêu cầu phải trả thêm tiền. Rồi thấy doanh nghiệp xây nhà to, xưởng to lại ra đòi lại đất. Hay chuyện doanh nghiệp thuê đất rồi thì có được cấp giấy chứng nhận không? Hay có được cấp một loại giấy khác khi có các tài sản hình thành trên đất sau này?
Theo vị giáo sư này, câu chuyện đổi mới nông nghiệp cần một hệ thống chính sách đồng bộ, và điều quan trọng là phải đảm bảo lợi ích cho nông dân và cho doanh nghiệp./.
Theo Trần Ngọc/VOV.vn