Tiếp cận chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam

Tiếp cận chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam
Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu kinh tế quốc tế. Các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó nông nghiệp được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên để không bị tụt hậu, ngành nông nghiệp phải nhanh chóng phát triển thành công chuỗi giá trị.

Ngày 2/7 tới đây, báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp cùng Văn phòng Bộ Công thương tổ chức hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.

 tiep can chuoi gia tri cho san pham nong nghiep viet nam hinh anh 1

Chia sẻ trước thềm hội thảo, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhìn nhận, nền nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với điệp khúc được mùa mất giá lặp đi lặp lại. Những mối liên kết còn lỏng lẻo, đặc biệt là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn hạn chế. Vai trò chính yếu của Nhà nước trong chuỗi giá trị vẫn còn hết sức mờ nhạt.

Chính các yếu tố này đã làm cho nền nông nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương và kém sức cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nếu chúng ta không xây dựng thành công chuỗi giá trị sẽ khó cạnh tranh, đủ năng lực đưa các sản phẩm trong nước ra thị trường quốc tế.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng 02 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp). Bao gồm mô hình Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán.

Với mô hình Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, quy trình kỹ thuật và nêu rõ yêu cầu chất lượng nông sản đối với các hợp tác xã, sau đó các hợp tác xã này chuyển giao lại cho xã viên thực hiện. Khi sản phẩm hoàn thành, các xã viên có trách nhiệm chuyển lại cho hợp tác xã để hợp tác xã chuyển giao cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Quá trình liên kết của mô hình được đảm bảo theo những nội dung ký kết tại hợp đồng ký kết giữa 03 bên.

Đơn cử như tại An Giang, trong nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng, giá trị cao, tỉnh đã chọn ra 02 sản phẩm chiến lược là lúa và cá tra để đưa vào xây dựng mô hình thí điểm. Với sản phẩm lúa, một doanh nghiệp đủ tiềm lực đã ký hợp đồng với 26 hộ nông dân, tổng diện tích bao tiêu là 75 ha. Với mặt hàng cá tra, một doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với 08 hộ, có tổng diện tích mặt nước nuôi cá là 83 ha. Kết quả, các hộ trồng lúa đạt năng suất trung bình là 6,1 tấn/ha, trong khi các hộ ngoài mô hình chỉ đạt năng suất trung bình 5,7 tấn/ha, các hộ nuôi cá tra đạt lợi nhuận 3.190 đồng/kg, cao hơn lợi nhuận của các hộ ngoài mô hình (3.150 đồng/kg).

 tiep can chuoi gia tri cho san pham nong nghiep viet nam hinh anh 2

Chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo tại An Giang

Tại tỉnh Bắc Giang, 430 hộ nông dân và một số hộ kinh doanh tham gia trồng dưa chuột bao tử cho doanh thu tăng 38%, lợi nhuận tăng gấp 02 lần; trồng cà chua, doanh thu tăng 34% và lợi nhuận đạt gấp đôi so với trồng các loại rau màu khác.

Không dừng lại ở việc triển khai mô hình, Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối doanh nghiệp tham gia mô hình với các siêu thị (CoopMart, Hapro, Intimex...), để tạo cầu nối tiêu thụ trực tiếp nông sản cho nông dân và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân, cho đến nay một số doanh nghiệp đã ký thêm được những hợp đồng mới ngoài những hợp đồng đã có từ trước.

Đồng thời, trong thời gian qua, Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương đã đồng hành các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức các “Tuần hàng nông sản”, hỗ trợ nông sản Việt Nam có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu.

Có thể kể đến như Hội chợ đặc sản vùng miền Hà Nội tổ chức định kỳ hàng năm từ năm 2014 đến nay; Tuần lễ Cá sông Đà - Đặc sản tỉnh Hòa Bình, Sơn La; Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La; Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang; Tuần lễ Dâu tây và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La; Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc…

Mục đích chung những của chương trình là hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ một số mặt hàng đặc sản tại các vùng, miền, địa phương có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP)… tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn,… góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các địa phương…

Cũng theo Bộ Công thương, tại các địa phương trên cả nước, hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường được các Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh triển khai. Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp triển khai bán hàng thông qua các hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện ích, tổ chức các chuyến hàng bình ổn giá, đẩy mạnh việc lồng ghép bán hàng Việt trong các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…

Theo báo cáo của 56 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2009 - 2019, các Sở Công Thương đã tổ chức được hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu các cấp, từ đó kết nối hàng hóa từ các vùng miền tại tỉnh, thành này đến các địa phương khác, tăng cường sự lưu thông hàng hóa xuyên suốt cả nước.

Điển hình là thành phố Hà Nội, đã phối hợp tổ chức thực hiện trên 80 cuộc giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 20 tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng (Vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang, Vải thiều Thanh Hà - Hải Dương, Cá Sông Đà - Hòa Bình; Nhãn - Sơn La, Na Chi Lăng - Lạng Sơn, Nhãn lồng - Hưng Yên, nông sản Lâm Đồng, Yên Bái...; kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm khi xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa nhất thời (Hành tím Sóc Trăng, Dưa hấu Quảng Nam, Củ cải Mê Linh, Khoai lang Gia Lai...).

Hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa (chè, cà phê, gia vị, trái cây: chanh leo, thanh long, dừa, bơ…) vào các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon - Nhật, Central Group - Thái Lan, Lotte - Hàn Quốc, chợ đầu mối Rungis - Pháp...

Đồng thời, triển khai hiệu quả biên bản ghi nhớ, hợp tác lĩnh vực Công Thương giữa Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Tây Ninh, Lào Cai, Hải Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Phú Thọ, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, qua đó hỗ trợ các đơn vị tham gia ký kết trên 3.000 biên bản ghi nhớ, hỗ trợ trên 800 sản phẩm mới của các địa phương tiêu thụ tại các kênh phân phối Hà Nội; đã hỗ trợ 105 doanh nghiệp của 24 tỉnh, thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu trên 3.000 mã sản phẩm giới thiệu kết nối nông sản tại sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm an toàn, trang tin nông sản tại Hà Nội...

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, trở thành cầu nối để các Doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương phương thức đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar...

Lũy kế đến nay, có 1.761 hợp đồng đã được ký kết; riêng hội nghị năm 2016 đã kết nối thành công 412 biên bản ghi nhớ, hợp đồng thu mua giữa bên cung ứng và bên thu mua; sản phẩm kết nối chủ yếu tại hội nghị là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền của các tỉnh, thành...

Về việc kết nối đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài, Bộ này cho biết, thông qua triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (được phê duyệt tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ). Từ năm 2017 đến nay, Bộ đã tổ chức được 6 hội thảo tập huấn và kết nối với hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia. Tổ chức tuần hàng trưng bày sản phẩm và kết nối với bộ phận mua hàng của các chuỗi phân phối tại Nhật Bản, Thái Lan, Philippinnes, Pháp, Ý, Hoa Kỳ... Thông qua đó đã góp phần tăng giá trị xuất khẩu hàng Việt của một số doanh nghiệp phân phối ra nước ngoài.

Một số đề án, chương trình được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi cung ứng nông sản đến tay người tiêu dùng, cụ thể như sau:

I. Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014)

II. Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 23/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010)

III. Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010)

IV. Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015)

V. Chương trình Thương mại điện tử quốc gia (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014)

VI. Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015)

VII. Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020 (được phê duyệt tại Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ)

VIII. Các chương trình liên kết vùng miền, bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố, chương trình OCOP


http://danviet.vn/kinh-te/tiep-can-chuoi-gia-tri-cho-san-pham-nong-nghiep-viet-nam-991557.html
Theo PV/danviet.vn