Tiếp sức nông thôn mới Bình Phước

Tiếp sức nông thôn mới Bình Phước
Đến nay tỉnh Bình Phước chỉ mới đạt hơn phân nửa trong tổng số 19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới (NTM) và còn rất nhiều khó khăn trên hành trình NTM.

 

Xã Tân Lập (huyện Đồng Phú) - xã đạt chuẩn NTM đầu tiên ở tỉnh Bình Phước

Xã Tân Lập (huyện Đồng Phú) - xã đạt chuẩn NTM đầu tiên ở tỉnh Bình Phước

Nguồn lực trong dân có hạn

Chúng tôi trở lại xã Lộc Phú, huyện biên giới Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) vào một ngày cuối tháng 4. Những con đường mưa lầy, nắng bụi, những ngôi nhà lá tạm bợ của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số không khác gì cách đây 5 năm, khi xã bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM. Nếu như năm 2015, Lộc Phú đạt được 7/19 tiêu chí về xây dựng NTM, thì đến năm 2017 lại bị giảm 1 tiêu chí, do số hộ nghèo tăng lên. Hiện nay, xã còn hơn 30% số hộ nghèo và cận nghèo trong tổng số 6.700 hộ, nhưng vẫn không được công nhận là xã nghèo. 

Theo UBND xã Lộc Phú, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đến nay, xã chỉ được phân bổ 270 triệu đồng. Vì vậy, xã chỉ làm được 4,3km đường bê tông. Số tiền còn lại, xã mua 54 con dê giống cho 18 hộ nghèo nuôi. Mùa khô đến, 134 hộ dân của xã này thường thiếu nước sinh hoạt. Toàn xã có 80% hộ dân được sử dụng điện, nhưng cũng thường bị cắt vào mùa khô. Ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú thổ lộ: “Địa bàn của xã rất rộng. Để vận động làm được con đường, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 7 - 10 triệu đồng. Mà đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thực sự rất khó khăn, người ta chỉ có cấy lúa ăn thôi, hầu như không có nguồn thu gì khác”.

Khó khăn của xã Lộc Phú cũng là khó khăn chung của các xã đang triển khai xây dựng NTM tại huyện Lộc Ninh. Toàn huyện có tới 13/15 xã chỉ đạt từ 6 - 13 tiêu chí. Hai xã còn lại là Lộc Hưng và Lộc Hiệp đang được huyện tạo mọi điều kiện để làm xã điểm thực hiện công tác này. Đối với các công trình xây dựng NTM ở huyện Lộc Ninh thực hiện theo Đề án 03 của tỉnh Bình Phước, với phương châm nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân quyết định con đường dài, ngắn, rộng, hẹp và người dân tự thi công. Tuy nhiên, khi triển khai, công tác này đã gặp khó khăn khi huyện không huy động được nguồn lực khoảng 10% từ nhân dân. Cũng vì lý do đó, số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM tại huyện Lộc Ninh tính đến hết quý 1-2017 là 10,5 tỷ đồng. 

Cùng chung sức

Sau hơn 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, số tiêu chí bình quân trong 92 xã của tỉnh Bình Phước đạt được rất thấp, chỉ ở mức 12,51/19 tiêu chí. Trong đó, có 22/92 xã chỉ đạt được từ 5 - 9 tiêu chí. Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, tỉnh Bình Phước không thu hút được nhiều nguồn lực từ doanh nghiệp (DN) và nhân dân. Tổng vốn huy động 5 năm qua của tỉnh là 5.850 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 221 tỷ đồng. 

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Phước, sở dĩ công tác xây dựng NTM của tỉnh gặp nhiều khó khăn như hiện nay là do địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung. Là tỉnh có tới 42 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên chưa hưởng ứng nhiệt tình chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân tỉnh Bình Phước. Đợt nắng hạn kéo dài trong mùa khô năm 2016 đã làm thiệt hại hàng ngàn hécta cây ăn trái, cây công nghiệp và hoa màu của người dân. Ông Lương Đình Hải, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Phước cho biết: “Nguồn lực được bố trí hàng năm cho chương trình NTM từ Trung ương đến kinh phí cân đối của tỉnh và huy động từ xã hội của Bình Phước thấp nên ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, văn bản về xây dựng NTM thì nhiều và thường xuyên thay đổi, nên khi triển khai chúng tôi cũng lúng túng”.

Trên thực tế, tỉnh Bình Phước cũng bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất, xóa đói giảm nghèo trong các xã nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Mô hình nuôi heo sinh sản, bò sinh sản ở huyện Bù Đốp; mô hình hợp tác xã trồng tiêu sạch ở huyện Lộc Ninh, mô hình hỗ trợ giống cây ăn trái, phân bón tại huyện Chơn Thành; mô hình chăn nuôi dê, bò sinh sản tại huyện Hớn Quản… Tuy nhiên, những mô hình nói trên nhỏ lẻ, chưa mang lại sự đột phá trong sản xuất ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, ở 92 xã của tỉnh Bình Phước, tổ chức Đoàn thanh niên đảm nhận từ 2 - 4 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng NTM nhưng khó thực hiện. Các cấp bộ đoàn của tỉnh còn thành lập một số hợp tác xã sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm cho thanh niên nông thôn như: hợp tác xã chế biến gạo, hợp tác xã in ấn, quảng cáo, hợp tác xã dệt thổ cẩm, đan, lát nhưng chưa hiệu quả. 

Nếu tỉnh không vận động được DN tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì mục tiêu đến năm 2020, có 46 xã (tương đương một nửa số xã trong tỉnh) đạt chuẩn NTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa 10 đề ra là rất khó đạt được. Do đó, bên cạnh việc huy động nguồn lực trong nhân dân, tỉnh Bình Phước cũng đang mong có sự hỗ trợ của Trung ương để công tác xây dựng NTM đạt hiệu quả cao hơn.

Tác giả bài viết: ĐỨC TRUNG

Nguồn tin: www.sggp.org.vn