Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Sáng 24 - 8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 889/QĐ – TTg ngày 10 - 6 - 2013 của Thủ tướng Chính phủ và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16 - NQ/TU ngày 20 - 4 - 2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

 

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, dự và chỉ đạo hội nghị. Các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Quyền, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Phát, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa; các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị có liên quan; Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng UBND tỉnh.
 
Các đại biểu dự hội nghị.
 
Qua 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 889/QĐ - TTg ngày 10 - 6 - 2013 của Thủ tướng Chính phủ và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16 – NQ/TU ngày 20 - 4 - 2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh có những chuyển biến tích cực và rõ nét. Nhận thức cơ cấu lại ngành nông nghiệp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp và bà con nông dân được tăng cường. Các cơ chế, chính sách; việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và khuyến công; nâng cao hiệu quả đầu tư công, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới… đã đạt được nhiều kết quả khả quan, khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2013 - 2017 đạt 2,4%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản có những chuyển biến tích cực; nông nghiệp giảm từ 77,6% năm 2013 xuống còn 72,5% năm 2017, lâm nghiệp tăng từ 5,9% lên 16,5%, thủy sản tăng từ 7,1% lên 20,3%.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp trong 4 khâu đột phá còn hạn chế; việc tích tụ đất để tổ chưc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn chưa nhiều; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn còn diễn ra ở một số địa phương.
 
Mục tiêu, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 là: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2018-2020, phấn đấu đạt 3,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 tăng 2,5 lần so với năm 2014. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 5 huyện, 55,8 % số xã trở lên, 20% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể.
 
Sau ý kiến của các đại biểu, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đánh giá cao sự nỗ lực của UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 889/QĐ - TTg, ngày 10 - 6 - 2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 16 - NQ/TU, ngày 20 - 4 - 2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Kết quả đạt được mở ra triển vọng mới trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới…Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nêu lên những tồn tại, vướng mắc cần sớm có giải pháp khắc phục để tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều kết quả tốt hơn. Đó là, định hướng phát triển của một số vùng chưa thực sự sát đúng, hiệu quả kinh tế trong tái cơ cấu nông nghiệp chưa cao. Việc xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu mạnh của sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trong tỉnh, trong nước còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện 4 khâu đột phá: tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm, đầu tư phát triển sản xuất đạt kết quả chưa cao; khai thác nguồn lực trong nhân dân cho đầu tư phát triển chưa nhiều. Tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất quy mô lớn còn nhiều vướng mắc chưa được quan tâm tháo gỡ. Việc triển khai một số chính sách của tỉnh để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm. Đổi mới hình thức, phương thức sản xuất chưa hiệu quả, kinh tế hộ vẫn còn là chủ yếu. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, hộ dân trong phát triển nông nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém...
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chỉnh trị trong việc thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, lưu ý một số chỉ tiêu trong thời gian tới cần tính toán, đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả, như: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2018-2020 phấn đấu đạt 3,2%/năm; thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đến năm 2020 gấp 2,5 lần năm 2014, có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới... 
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông thôn là nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành đề án tập trung, tích tụ đất đai. Tiếp tục đổi mới quan hệ sản xuất, tổ chức phát triển sản xuất nông hộ. Tạo điều kiện tốt hơn nữa về môi trường đầu tư cho doanh nghiệp đã, đang và chuẩn bị đầu tư vào nông nghiệp và phát triển sản xuất theo chuỗi. Tập trung rà soát, bảo đảm thủ tục hành chính cho việc thành lập doanh nghiệp; cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp. Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống mới, phục tráng giống, nhất là giống bản địa; thực hiện có hiệu quả quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đời sống cho người dân. Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là nguồn lực từ nhân dân, từ doanh nghiệp.
 
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
 
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, các đơn vị có liên quan, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào các ý kiến tại hội nghị hoàn chỉnh báo cáo 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 889/QĐ - TTg, ngày 10 - 6 - 2013 của Thủ tướng Chính phủ và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16 - NQ/TU, ngày 20 - 4 - 2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, sơ kết các cơ chế, chính sách thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian qua, làm rõ những cơ chế, chính sách có hiệu quả và những cơ chế chính sách không hiệu quả. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng từng sản phẩm chủ lực của tỉnh và có phương án phát triển cụ thể để trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 31-12-2018. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh hoàn thiện, thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa; tham mưu phát triển HTX theo chỉ đạo của Chính phủ. Các huyện, thị xã, thành phố sơ kết thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn và đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn.
 
Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân.
 
Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 9 tập thể; đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền trao Bằng khen cho 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2017.
 

Xuân Hùng/ Báo Thanh Hóa