Tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp: Điểm tựa của nhà nông

Tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp: Điểm tựa của nhà nông
(HNM) - Với đặc thù khí hậu và thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai, dịch bệnh ở nước ta mỗi năm gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đã giúp nông dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Song, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để chương trình này được tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng thời ngăn chặn kịp thời nạn trục lợi bảo hiểm.
Hàng trăm ngàn hộ dân tham gia thí điểm

Theo Bộ Tài chính, sau 3 năm triển khai (2011-2013), chương trình thí điểm BHNN đã giúp người dân nông thôn ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Số liệu của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Minh, hai đơn vị được lựa chọn triển khai thí điểm BHNN cho thấy, tính đến hết năm 2013, chương trình thí điểm BHNN đã thu hút được hơn 363.776 hộ nông dân tham gia với tổng giá trị được bảo hiểm hơn 7.518 tỷ đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 390 tỷ đồng. 

 
Bảo hiểm nông nghiệp là nguồn hỗ trợ quan trọng giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Bảo hiểm nông nghiệp là nguồn hỗ trợ quan trọng giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Bá Hoạt


Trong đó, bảo hiểm cây lúa được thí điểm tại Bình Thuận, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang, Đồng Tháp với 281.346 hộ nông dân tham gia. Tổng diện tích lúa được bảo hiểm là 62.293ha, doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 90 tỷ đồng, phát sinh bồi thường gần 11,5 tỷ đồng. Đối với bảo hiểm vật nuôi, đã có hơn 65.430 hộ nông dân tham gia với hơn 1.181.900 con vật nuôi được bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 83 tỷ đồng, phát sinh bồi thường hơn 9,8 tỷ đồng. Việc triển khai thí điểm bảo hiểm thủy sản tại Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng thu hút gần 17.000 hộ tham gia, doanh thu phí bảo hiểm gốc là 217 tỷ đồng. Số tiền phát sinh bồi thường đối với bảo hiểm thủy sản là hơn 667 tỷ đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã bồi thường hơn 640 tỷ đồng, đang hoàn tất hồ sơ để bồi thường số tiền thiệt hại thủy sản còn lại cho người nông dân. Đối với bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm lúa, việc bồi thường gần như đã được DNBH hoàn tất.

Điều kiện tiên quyết

Theo Quyết định 315/QĐ-TTg (ngày 1-3-2011) của Thủ tướng Chính phủ, BHNN được thí điểm tại 21 địa phương. Thực tế triển khai cho thấy, BHNN là chỗ dựa bền vững, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Đặc biệt, tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc thí điểm bảo hiểm thủy sản là một trong những giải pháp tài chính hỗ trợ cho hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Người nuôi trồng thủy sản đã nhận thức được lợi ích của việc mua BHNN. Song, loại hình bảo hiểm này rủi ro quá cao khiến các DNBH lỗ nặng. Số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tính riêng trong những tháng đầu năm 2013, số tiền đền bù cho người nuôi trồng thủy sản là 282,9 tỷ đồng. Riêng Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) và Tập đoàn Bảo hiểm Thụy Sĩ (Swiss Re), hai đơn vị được Chính phủ chỉ định nhiệm vụ tái BHNN đã lỗ 462 tỷ đồng. Số lượng và tỷ lệ bồi thường bảo hiểm thủy sản khá lớn khiến các DNBH gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp tái bảo hiểm. Đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho biết, cùng thời điểm này đã ký hợp đồng bảo hiểm cho hơn 155.000 hộ dân với ba loại hình là cây lúa, vật nuôi và thủy sản. Trong đó, đã bảo hiểm 30.000ha lúa; 500.000 con trâu, bò, lợn, gia cầm; 5.000ha tôm với tổng giá trị được bảo hiểm là 3.300 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm 190 tỷ đồng. Bảo Việt đã chi trả bồi thường cho nông dân 350 tỷ đồng, trong đó riêng hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, bồi thường thiệt hại về tôm là 340 tỷ đồng, số tiền bồi thường vượt quá doanh thu phí bảo hiểm. Mặc dù DN luôn xác định việc triển khai thí điểm BHNN là một nhiệm vụ chính trị, mục tiêu không vì lợi nhuận nhưng không thể để DN lỗ kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ DN để nhiệm vụ này được triển khai hiệu quả. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, việc triển khai BHNN luôn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, khi không còn sự hỗ trợ thì không thể triển khai. Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý, phòng chống trục lợi là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công BHNN.

Khép lại năm 2013, chương trình thí điểm BHNN đã kết thúc và thu được những kết quả nhất định. Theo đánh giá của các tỉnh, thành phố được chọn thí điểm, việc triển khai BHNN rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp những thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để chương trình BHNN được triển khai hiệu quả, các ngành chức năng cần sớm sửa đổi những bất cập chính sách, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi bảo hiểm nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.