Tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp tại vùng nhiễm mặn

Tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp tại vùng nhiễm mặn
Giữa bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn đang đe dọa ngày càng nghiêm trọng, việc tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) tại các vùng nhiễm mặn ở vùng ĐBSCL là vô cùng cấp bách…

Tiết kiệm nước trong nông nghiệp ĐBSCL đang là vấn đề bức thiết.


Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) và Tổ chức Hanns Seidef Foundation (CHLB Đức) vừa phối hợp tổ chức hội thảo tiết kiệm nước trong SXNN tại các vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL. Hội thảo đã trao đổi, chia sẻ thông tin, giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về tình hình khô hạn ở ĐBSCL; tính toán lượng nước trữ để tưới cho một số cây trồng cụ thể; các giải pháp, kỹ thuật về tiết kiệm nước trong SXNN; thay đổi nguồn nước vùng ven biển ĐBSCL...

Hiện tỉ lệ sử dụng nước tại ĐBSCL ở khu vực nông nghiệp đang chiếm tỉ trọng lớn nhất (hơn 70% lượng nước sử dụng); tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp (chiếm hơn 22%) và gần 10% lượng nước còn lại được sử dụng trong dân dụng. Riêng mùa hạn - mặn năm nay đang cho thấy những ảnh hưởng khốc liệt, đã có hàng trăm ngàn hecta lúa ở vùng ĐBSCL bị chết do nhiễm mặn và thiếu nước; gần 1 triệu người phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng… Do đó, vấn đề tiết kiệm nước đang trở nên vô cùng bức thiết…

Theo PGS.TS Châu Minh Khôi - Bộ môn Khoa học nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ - trong bối cảnh hạn - mặn đang diễn ra khốc liệt, phương pháp tưới ngập - khô luân phiên được xem là giải pháp tưới nước tiết kiệm trong canh tác lúa khi lớp nước trên mặt ruộng đã cạn. Áp dụng phương pháp này sẽ tiết kiệm 9,9% đến hơn 19% lượng nước tưới. Việc tưới nước cho cây trồng hiện nay phải được tính toán kỹ, chỉ tưới cho cây, không tưới rộng sang đất gây lãng phí; đồng thời có thể áp dụng cách tưới tiết kiệm nước ở nhiều nước trên thế giới. Cụ thể là dùng bình đất nung, có khoét lỗ đặt xuống chung quanh gốc cây để nước thấm từng giọt ra ngoài nuôi bộ rễ; dùng ống tre có khoét lỗ hoặc tưới bằng chai nước úp ngược được đặt cạnh bộ rễ cây…

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào SXNN tiết kiệm nước trên các mô hình trồng lúa, trồng màu và cây ăn trái nhằm giúp nông dân hạn chế thiệt hại và giảm bớt khó khăn trong điều kiện thiên tai hạn - mặn hiện nay. Đây là những mô hình dễ hiểu, dễ áp dụng, giảm chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao và đã được thực hiện thành công tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL...
Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn tại ĐBSCL
Ngày 12.3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Theo đó, để chủ động ứng phó, hạn chế khó khăn, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng - chống hạn hán, xâm nhập mặn được đề cập trong Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 3.3.2016, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4.2.2016 và Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 7.3.2016… (P.V)

Theo Trần Lưu/ Lao động