Tiêu chí thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm: Phải nỗ lực liên tục
- Thứ năm - 09/08/2018 20:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước khi xây dựng NTM, thu nhập của người dân là cả một vấn đề đối với xã Văn Lộc (Hậu Lộc) khi mà tại đây, người dân địa phương sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp với cây lúa nước là chủ đạo. Thời điểm trước năm 2014, thu nhập mới đạt 18-20 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2014, thu nhập đã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Năm 2018, xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 37- 38 triệu đồng.
Để có được những bước tiến này, Đảng ủy, UBND xã Văn Lộc đã năng động tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả. Vẫn là cây lúa nước nhưng phải là trồng cây lúa nước chất lượng cao, tạo sản phẩm thương hiệu của xã. Hiện có trên 65% diện tích đất được gieo cấy bằng giống lúa chất lượng cao, có giá trị hàng hóa và đã nâng giá trị thu nhập/1kg thóc tăng 1,4 đến 1,5 lần. Bên cạnh đó, cây rau màu vụ đông tiếp tục phát triển, cây cà chua được trồng trên đất 2 vụ lúa, trung bình 1ha cho sản lượng 25-30 tấn, thu nhập từ 150-220 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 80 mô hình gia trại, trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ tính trong 3 năm (từ 2015-2017), đã có đến 60% lao động nông nghiệp ở Văn Lộc chuyển sang làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Hiện xã có 12 doanh nghiệp hoạt động trên tất cả các lĩnh vực và đang phát triển ổn định. Theo ông Trần Văn Tiến, phó chủ tịch UBND xã: Để thu nhập của người dân tăng theo từng năm là khó, nếu không năng động, sáng tạo, không tìm ra hướng đi đúng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương thì không thể thực hiện thành công tiêu chí thu nhập này. Đối với Văn Lộc, làm thì rất mạnh nhưng vẫn còn khiếm khuyết, hạn chế như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa mạnh, việc bỏ ruộng hoang của nông dân chậm được xử lý... Nếu làm tốt hơn thì rõ ràng thu nhập của người dân sẽ còn cao hơn nữa. Cũng theo ông Tiến, từ nay đến năm 2020 sẽ không còn để xảy ra hiện tượng bỏ ruộng hoang. Đồng thời xã sẽ tìm kiếm cây, con có giá trị, có năng suất và sẽ sản xuất theo quy trình khép kín để nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, động viên các gia đình mua các thiết bị, phương tiện hiện đại để phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào...
Đối với xã Hoằng Trạch (Hoằng Hóa) một xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM thì việc tăng thu nhập cho người dân theo từng năm càng không dễ. Tuy nhiên, xã cũng đang từng bước nỗ lực để đáp ứng tiêu chí này. Như năm 2016, thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người thì đến năm 2017 là 33 triệu đồng/người và trong năm 2018 này, xã phấn đấu đạt 41,7 triệu đồng/người. Ông Hoàng Huy Hợp, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trạch cho biết: Thu nhập là 1 tiêu chí khó nhưng phải cố gắng. Chúng tôi đã tiếp cận để đưa nghề đan chao đèn xuất khẩu vào địa phương và hiện đang tạo việc làm cho gần 200 lao động. Địa phương còn tạo điều kiện cho các hộ trên trục đường chính phát triển dịch vụ thương mại. Đối với vùng sâu trũng, hay bị ngập lụt, xã sẽ đưa vào quy hoạch trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản...
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 418 xã đạt tiêu chí thu nhập. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở chỗ, năm này đạt nhưng năm sau liệu có đạt?. Mức thu nhập sẽ phải tăng theo từng năm, đó là cả một vấn đề. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quan trọng là các địa phương phải biết vận dụng sáng tạo để tìm ra cách làm hay, có hiệu quả. Không được phép bằng lòng, phải liên tục nỗ lực, thúc đẩy sản xuất phát triển.