Tìm đầu ra cho sản phẩm nhà nông

Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, mặc dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhiều năm qua, đầu ra cho sản phẩm của nhà nông vẫn là bài toán hóc búa, chưa có lời giải.
Sản phẩm của nhà nông cần có đầu ra ổn định. (Ảnh minh họa)

 

Thực tế cho thấy tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn diễn ra ở nhiều địa phương và gần như đã trở thành phổ biến đối với hầu hết các mặt hàng nông sản của nước ta, trong đó có trái cây.

Còn nhớ, cách đây không lâu, hàng trăm ô tô chở dưa hấu từ miền nam phải chịu cảnh ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn vì bị ép giá, không bán được. Không riêng gì dưa hấu, những mặt hàng hoa quả tươi của Việt Nam như vải thiều, thanh long, cam, quýt... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Có những năm vải thiều rớt giá, người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) không buồn thu hoạch, bởi vì tiền công thu hoạch còn lớn hơn tiền bán quả.

Hiện tượng tăng giá, rớt giá cứ lặp đi, lặp lại như một điệp khúc buồn, khiến nông dân "đắng lòng". Nhắc đến việc tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra, nông dân ai cũng lắc đầu ngao ngán. Có những thời điểm, nông dân chưa kịp vui vì được mùa đã phải buồn vì giá nông sản rớt thê thảm. Đáng nói hơn, không chỉ những mặt hàng chưa có đầu mối tiêu thụ ổn định, mà ngay cả các sản phẩm có địa chỉ bao tiêu như cây mì, cây mía, vẫn còn bị o ép đầu ra. Điều này cho thấy những mô hình nông nghiệp phát triển theo kiểu liên kết "4 nhà" mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn vẫn chỉ là mô hình liên kết ba nhà, phổ biến chỉ được hai nhà...

Theo ý kiến của các chuyên gia, vướng mắc trong liên kết "4 nhà" chủ yếu giữa doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, vai trò của nhà nước cũng còn mờ nhạt, chưa phát huy được hiệu quả. Mục đích của chính sách liên kết "4 nhà" là giúp đỡ nông dân, nông thôn, nhưng thực chất lại chưa làm thay đổi bao nhiêu và nhất là chưa tạo được nền tảng và đòn bẩy phát triển một cách đồng bộ.

Có rất nhiều tổ chức, sở, ngành, các nhà khoa học có kế hoạch hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, nhưng lại làm theo kiểu mạnh ai người nấy làm và thực hiện theo cách dàn trải, đến khi kế hoạch, dự án kết thúc thì mọi việc của nông dân cũng trở về điểm xuất phát. Trong khi đó, phần lớn nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm làm ra ít, chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu, tư duy canh tác còn tuỳ tiện, làm theo phong trào. Một căn bệnh cố hữu khó chữa nữa của nông dân là tự ý phá hợp đồng khi giá thị trường cao hơn giá ký kết khiến doanh nghiệp không mặn mà bắt tay tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2013 vẫn tiếp tục là năm được mùa thu hoạch, nhưng giá lúa và các sản phẩm khác của ngành nông nghiệp như lợn, gà, thủy sản…cũng rớt giá và rất khó tiêu thụ.

Để góp phần hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, theo chúng tôi, Nhà nước cần phải linh hoạt trong lựa chọn hình thức tiêu thụ nông sản phù hợp. Đồng thời với đó là rà soát, bổ sung các quy định thực hiện Quyết định 80. Nên quy định rõ ràng cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hợp đồng một cách hài hòa bên cạnh các quy định xử lý vi phạm...

Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch hình thành vùng sản xuất hàng hoá nông sản tập trung, chuyên canh, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường... Hướng dẫn bà con tập trung sản xuất những cây trồng vật nuôi có thị trường và năng suất cao, giá thành hạ để nâng cao sức cạnh tranh. Hỗ trợ các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất nhằm hạn chế tình trạng sản xuất manh mún.

Nghiên cứu chính sách nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dưới hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, các hiệp hội, ngành hàng để các tổ chức này hỗ trợ tiêu thụ nông sản cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân, giảm nhẹ gánh nặng quản lý nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của nông dân và doanh nghiệp...

MINH QUANG

(Bắc Giang)
Nguồn nhandan.org.vn