Tìm đường nâng cao đời sống nông dân - Bài 3

Tìm đường nâng cao đời sống nông dân - Bài 3
Trong khó khăn, nhiều địa phương và chính những người nông dân đã hết sức nỗ lực để tìm hướng thoát nghèo.

 


Tìm đường nâng cao đời sống nông dân - Bài 1: Trăm nỗi nhọc nhằn

Tìm đường nâng cao đời sống nông dân - Bài 2: “Làm ruộng không đem lại tương lai gì”


Giúp dân yên tâm sản xuất


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết: Những diện tích lúa kém hiệu quả, nên ưu tiên chuyển sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, khoai… Giá ngô hiện nay ngang giá gạo, nhưng năng suất ngô lại gấp 5 lần gạo. Nhưng để chuyển đổi được thì phải có chủ trương quy hoạch. Chuyển bớt từ sản xuất sang chế biến để tăng giá trị gia tăng, kéo doanh nghiệp vào đầu tư trên mọi lĩnh vực, kể cả đầu tư nước ngoài.

 

Nhiều cánh đồngtrồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng ớt đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân Quỳnh Phụ (Thái Bình).


Ông Sơn cũng cho biết thêm: Để giúp nông dân thoát khỏi cảnh “tự bơi”, chúng ta phải tạo được sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua những gói hợp đồng như doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác với nông dân sản xuất với quy mô lớn, đảm bảo quy trình sạch, tiêu chuẩn hàng hóa, lo bao tiêu sản phẩm. Không có sự liên kết, nông dân phải bán sản phẩm trôi nổi trên thị trường, chất lượng cũng như an toàn thực phẩm không đảm bảo, nên càng dễ mất giá hơn.


Để thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, phải xây dựng các vùng chuyên canh, chứ như hiện nay vì không có vùng chuyên canh nên doanh nghiệp chỉ thích bán giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi… cho người nông dân chứ không muốn “ôm” thêm khoản “đầu ra” cho sản phẩm nữa. Đồng thời, phải có chính sách hỗ trợ rõ ràng và chính sách đã đưa ra thì phải nhất quán. Cứ chính sách và quy hoạch liên tục thay đổi như hiện nay thì chẳng doanh nghiệp nào dám mạo hiểm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để cùng nông dân làm giàu cả.


Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Thái Bình, nêu quan điểm: Nhà nước đã có rất nhiều chính sách, nhưng cần cụ thể hóa các chính sách này, đặc biệt các chính sách phải đến với người nông dân. "Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tăng cường dịch vụ, tích cực điều tra thị trường, phòng chống hàng giả, nhất là với giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Có như vậy người dân mới có thể yên tâm sản xuất", ông Sơn nói.


"Với nông dân, đừng ngồi bàn giấy, phòng lạnh để ra chính sách, nông dân thiệt thòi lắm. Những người làm chính sách phải xuống với dân, lắng nghe ý kiến của dân. Thị trường nhiều năm qua bà con luôn "cuốn theo chiều giá". Giá lên thì chạy theo, giá xuống thì thiệt, bà con thiệt thòi đủ đường", ông Sơn nói thêm.

 

Đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi sẽ giúp bà con nông dân làm ăn có lãi. Ảnh: TTXVN


Theo ông Phan Ngọc Núi, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Thành (tỉnh Hải Dương), Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Kim Thành, nông nghiệp bây giờ muốn tăng được năng suất, tăng sản lượng thì cần phải cải tạo đồng ruộng, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, cách chăm bón. “Hiện nay chúng tôi đang thuê cơ quan tư vấn và đang hỗ trợ chương trình kiên cố hóa kênh mương. Đề nghị tỉnh tăng hỗ trợ. Chúng tôi cũng đang phát động dồn ô đổi thửa, kêu gọi các nguồn hỗ trợ khác”.


Ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương rất đúng, tuy nhiên nông nghiệp nông thôn tỉnh rất khó khăn. Yêu cầu đặt ra rất lớn nhưng khả năng đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn vẫn chưa tương xứng. Một năm, cân đối ngân sách cho xây dựng nông thôn mới là 32 tỷ đồng. Còn phần hỗ trợ của tỉnh cho nông nghiệp, nông thôn mỗi năm là 150 tỷ. Để xây dựng được 19 tiêu chí, thì bình quân mỗi xã cần 150 tỷ đồng. Mới đây, theo Bộ NNPTNT, khả năng đầu tư cho nông nghiệp sẽ tăng lên, nhưng khó có thể tăng gấp 3 lần.


Giải quyết nguồn vốn vay


Những năm qua, các tổ chức tín dụng đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên vốn đầu tư cho vay ở lĩnh vực nông ngiệp, nông dân, nông thôn. Điển hình như tại quê lúa Thái Bình hiện có 462 chi nhánh, phòng giao dịch, các điểm hoạt động tín dụng tại khu vực nông thôn, chiếm 87,9% tổng số điểm hoạt động ngân hàng toàn địa bàn. Giai đoạn 2008-2012, các tổ chức tín dụng tại Thái Bình đã giải ngân 54.493 tỷ đồng phục vụ phát triển tam nông. Đến tháng 6/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 10.890 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với cuối năm 2008 và chiếm 42,9% tổng dư nợ.


Đáp ứng tốt hơn nữa việc cho vay, khoản vay nhiều hơn, dài hạn hơn đặc biệt với nguồn vốn vay dành cho nông nghiệp và nông thôn là yêu cầu cho các tổ chức tín dụng tại nông thôn. Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết: “Để tháo gỡ những khó khăn trên, chi nhánh đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các giải pháp huy động vốn nhằm tăng cường cho vay phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu giai đoạn 2014-2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ đạt 15,5% năm. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay, đồng thời điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay đối với những khách hàng vay vốn đủ điều kiện. Thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng của Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.”

 

Lê Sơn - Hữu Vinh
Nguồn baotintuc.vn