Tìm đường nâng cao đời sống nông dân - Bài 4: Đổi thay cùng nông thôn mới

Tìm đường nâng cao đời sống nông dân - Bài 4: Đổi thay cùng nông thôn mới
Nông thôn mới đang vẽ nên những bức tranh đổi thay tại nhiều vùng quê thuần nông. Nếu những thay đổi ban đầu chỉ có thể xem xét trên việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới thì nay đã có thể đong đếm được từ chính những con số rõ ràng minh chứng cho sự phát triển về đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.

Tìm đường nâng cao đời sống nông dân - Bài 1: Trăm nỗi nhọc nhằn

Tìm đường nâng cao đời sống nông dân - Bài 2: “Làm ruộng không đem lại tương lai gì”

Tìm đường nâng cao đời sống nông dân - Bài 3

 

Đổi thay từ bộ mặt nông thôn


Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tháng 9/2013, tỉnh Thái Bình đã có bốn xã là xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương), Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ), Thụy Phúc (huyện Thái Thụy) và Hồng Minh (huyện Hưng Hà) đạt chuẩn, hoàn thành đủ 19 tiêu chí nông thôn mới.

Phát triển chăn nuôi theo mô hình an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị thu nhập theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Nếu trước đây, tới xã thuần nông Thanh Tân chỉ toàn những thửa ruộng nhỏ, mấp mô, thì nay đón chúng tôi là những cánh đồng lúa đã được dồn điền đổi thửa đang vào độ chín vàng, mượt mà bao bọc xóm làng. Bà con nơi đây cho biết, trước khi dồn điền đổi thửa, xã Thanh Tân có 3,25 thửa/hộ, nay chỉ còn 1,5 thửa/hộ. Ruộng đã lớn cộng với con đường nội đồng nối với đường thôn bằng bê tông kiên cố, rộng rãi để các loại xe cơ giới, thu hoạch có thể xuống đồng. Người nông dân đã mạnh dạn đưa máy cày, máy gặt xuống từng thửa ruộng, ôtô chạy khắp cánh đồng… Để đưa máy cày vào đồng ruộng, mỗi hộ trong xã thống nhất góp 18 m2 ruộng làm đường. Hệ thống mương tưới tiêu bám theo đường giao thông luôn đảm bảo nguồn nước canh tác.


Bất ngờ với những thay đổi từ đồng đất còn tiếp tục tới khi chúng tôi về tới xã, chứng kiến những biến chuyển của bộ mặt nông thôn. Những con đường sạch sẽ được trải bê tông từ chính sự đóng góp của người dân, một bên là những hàng rào điệu đà bao bọc những vườn cây trĩu quả, một bên là hệ thống cây xanh, cây cảnh ven đường dệt hoa khắp lối đi. Chủ tịch UBND xã Bùi Mạnh Hà chia sẻ: “Một trong những tiêu chí của nông thôn mới là phải có môi trường xanh, sạch. Vì thế, từ sáng kiến của một cựu chiến binh, chúng tôi đã tổ chức phát động phong trào, mỗi con đường trồng một loại cây như đường chỉ chuyên trồng cau, đường chuyên trồng cây tán thấp. Còn vệ sinh, thì nâng cao ý thức người dân như trong các buổi họp, chúng tôi có nói nếu ai vứt rác bừa bãi ra đường, người đó không phải là dân ở Thanh Tân”.

Người dân sẽ được hưởng lợi từ các công trình đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới. ẢNh: Đình Huệ - TTXVN


Tại hầu hết các xã xây dựng nông thôn mới, người dân không chỉ đóng góp bằng ngày công mà còn hiến đất cho các công trình công cộng, các thôn trong xã dấy lên phong trào thi đua góp sức xây dựng nông thôn mới. Tinh thần đồng lòng của người dân đã khiến cho những con đường được mở rộng, tạo nên bộ mặt của làng quê ngày hôm nay. Đơn cử như tại Thanh Tân, theo mốc giới mở đường, có những gia đình phải hiến 50 m2 hay thậm chí là 100 m2 nhưng hiểu về chính sách chung, ai cũng sẵn lòng đóng góp.


Có cách thoát nghèo


Cái đích cuối cùng mà Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới hướng tới là thay đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao mức sống cho bà con thì ở Thanh Tân vấn đề này đang hiện hữu rõ nét. Từ chỗ bà con chỉ biết quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì nay bên cạnh cây lúa, người dân còn biết kết hợp mô hình làm kinh tế mới. Cụm công nghiệp - dịch vụ, xã đã mở rộng các dịch vụ ngành nghề. Đến nay, có 7 doanh nghiệp đang đầu tư làm ăn, thu hút được 2.200 lao động là con em địa phương. Các nghề truyền thống như sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ mộc dân dụng, mây tre đan, cơ khí, chế biến lương thực... được mở rộng và phát triển, một số nghề mới như may khăn xuất khẩu, dệt khăn được du nhập tạo việc làm thường xuyên nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 1,2 triệu đồng/tháng.


Việc chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây hoa màu có năng suất, chất lượng cao cũng là cách vô cùng hiệu quả giúp nâng cao thu nhập. Tại Thái Bình, các xã như Hồng Minh (huyện Hưng Hà), xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ) không chỉ phát triển mạnh cây vụ đông, mà còn hình thành được diện tích đất chuyên trồng màu rộng 90 ha gieo trồng 3- 5 vụ khép kín trong năm. Ở đây người dân đã lựa chọn gieo trồng những cây mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn như hành tỏi, rau thơm, su hào, bắp cải… đồng thời thực hiện trồng trái vụ để vừa dễ tiêu thụ, vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trung bình khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Với nhiều gia đình ở Quỳnh Hải, việc có thu nhập vài chục triệu đồng từ vụ đông không còn là chuyện hiếm…


Tại xã An Ninh (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), cây ớt hiện chiếm phần lớn diện tích cây vụ đông, lên tới khoảng 150 ha. Mỗi vụ người trồng ớt thu được từ 3 - 5 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn thực lãi từ 2 - 4 triệu đồng/sào. Với một số hộ dân ở An Ninh (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), ớt đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng từ bán ớt…

 

Lê Sơn - Hữu Vinh
Nguồn baotintuc.vn