Tìm lại “vị ngọt” của hồ tiêu (bài 3): Liên kết trồng tiêu hữu cơ

Tìm lại “vị ngọt” của hồ tiêu (bài 3): Liên kết trồng tiêu hữu cơ
Tại thủ phủ hồ tiêu Gia Lai, giữa lúc rất nhiều hộ đang quay quắt vì giá tiêu xuống thấp, dịch bệnh tràn lan, nợ nần bủa vây thì vẫn có những người thu nhập ổn định nhờ loại cây này. Và con đường mà họ chọn là trồng tiêu hữu cơ theo chuỗi giá trị có liên kết với doanh nghiệp.

Chậm mà chắc

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, từng trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng vào một ngày cuối năm 2014, trước hấp lực vô cùng hấp dẫn của giá tiêu khi đó, anh Nguyễn Tấn Công ở thôn 5, xã Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai) quyết định về lại Tây Nguyên trồng tiêu, bỏ lại cơ hội lập nghiệp ở thành phố. Nhưng chưa kịp tận hưởng những mùa quả ngọt của hồ tiêu thì “bão giá” ập đến, như nhiều nông dân khác ở Nam Yang, anh Công cũng lao đao.

 tim lai “vi ngot” cua ho tieu (bai 3): lien ket trong tieu huu co hinh anh 1

 tim lai “vi ngot” cua ho tieu (bai 3): lien ket trong tieu huu co hinh anh 2

 Anh Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (Đăk Đoa, Gia Lai) kiểm tra chất lượng hồ tiêu hữu cơ.  A.T

"Trong khi giá tiêu sọ bình thường chỉ 40.000 - 50.000 đồng/kg thì giá tiêu hữu cơ có khi lên đến 300.000 đồng/kg mà cũng không đủ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, trong số 11.800ha tiêu của tỉnh, chỉ có khoảng 2,6% trong số này thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp và có 64ha tiêu đã nhận được chứng nhận sản xuất hữu cơ”.

Ông Võ Quốc Trường

Nhưng ngay lúc đó, anh nghĩ, nếu không chuyển hướng, không đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì danh tiếng tiêu Lệ Chí (Lệ Chí là tên cũ của vùng đất này - PV) sẽ không còn. Vậy là ý tưởng thành lập hợp tác xã (HTX) trồng tiêu hữu cơ được hình thành.

Sau một thời gian vận động, tháng 5/2017, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang được thành lập tại thôn 5, xã Nam Yang, anh Công được bầu làm Chủ tịch HĐQT HTX.

“Khi mới thành lập, HTX chỉ có 15 thành viên với tổng số vốn điều lệ 55 triệu đồng, diện tích canh tác 50ha tiêu và 40ha cà phê. Đến nay, HTX có 80 thành viên, diện tích hồ tiêu là 100ha, trong đó có 16ha đã nhận được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ. Năm 2019, trong khi giá hồ tiêu rớt xuống dưới giá thành, chỉ xung quanh mức 40.000 -45.000 đồng/kg thì hồ tiêu hữu cơ của HTX vẫn bán được mức giá 100.000 đồng/kg, giúp các thành viên có thu nhập ổn định” - anh Công khoe.

Anh Công cho biết thêm, ngay cả khi thị trường tiêu đang trầm lắng do cung vượt cầu thì HTX không có chuyện tồn kho do nhu cầu sử dụng tiêu hữu cơ rất cao. Giá tiêu hữu cơ cao hơn tới 150 - 200% so với hồ tiêu thông thường nhưng làm ra đến đâu bán hết đến đó.

“Tính riêng niên vụ 2018-2019, gia đình tôi có 5ha tiêu, doanh thu trên 1 tỷ đồng. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp, hiện thị trường nội địa khá tốt, thậm chí HTX có cả đối tác xuất khẩu” - anh Công cho biết.

Liên kết sẽ thắng

Từ câu chuyện của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang cho thấy, cách làm có tính toán, đi chậm mà chắc, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, giữ vững chất lượng là yếu tố quan trọng giúp người trồng tiêu không bị “nhấn chìm” giữa cơn “bão giá” hoành hành suốt thời gian qua. Rất tiếc, những mô hình như thế chưa xuất hiện nhiều ở những vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh Gia Lai.

Ông Võ Quốc Trường - Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT Gia Lai) cho biết, tỉnh luôn khuyến khích phát triển các mô hình liên kết sản xuất tiêu theo hướng bền vững, đã có một số mô hình khá thành công. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp phân bón, kỹ thuật cho nông dân và bao tiêu sản phẩm, các tổ chức phối hợp đánh giá, cấp chứng nhận.

“Trong khi giá tiêu sọ bình thường chỉ 40.000 - 50.000 đồng/kg thì giá tiêu hữu cơ có khi lên đến 300.000 đồng/kg mà cũng không đủ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, trong số 11.800ha tiêu của tỉnh, chỉ có khoảng 2,6% thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp và có 64ha tiêu đã nhận được chứng nhận sản xuất hữu cơ” - ông Trường nêu một thực tế.

Trong khi đó, ông Vũ Ngọc An - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cho rằng, không kỳ vọng diện tích sản xuất tiêu hữu cơ tăng quá nhiều, chỉ cần đạt được 20% trong tổng số diện tích đã là con số đáng mơ ước. Điều quan trọng là định hướng cho người dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn, có liên kết để đảm bảo vững chắc đầu ra sản phẩm.

Trên quy mô cả nước, những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả cũng chưa có nhiều. Theo thống kê, hiện, cả nước có 22 HTX tiêu, trên 120 tổ hợp tác hồ tiêu và khoảng 100 doanh nghiệp thu mua chế biến và xuất khẩu hồ tiêu. Đáng chú ý, những mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất - thương mại đều mang lại hiệu quả như Công ty Nedspice liên kết với nông dân trồng tiêu ở Bình Phước hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn và tiêu thụ sản phẩm; Công ty Phúc Sinh, Simexco Đăk Lăk, KSS, Olam, Harris Freeman, Intimex ngoài việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu chủ động còn liên kết với nông dân để xây dựng, quảng bá thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng, với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng rào thuế quan được tháo gỡ, song các hàng rào phi thuế quan từ thị trường, đặc biệt là trong vấn đề truy xuất nguồn gốc ngày càng cao.

“Khó khăn hiện nay là  nâng cao được nhận thức, kỹ năng của người nông dân. Thời gian qua đã có hàng loạt lớp dạy nghề cho nông dân và lực lượng cán bộ cơ sở được mở ra theo hình thức liên huyện hoặc riêng từng huyện. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không cao. Tôi cho rằng để khắc phục vấn đề này phải có chế tài mạnh tay hơn nữa, buộc người dân phải đi học. Ví dụ, nếu người dân không đi học, không có chứng chỉ thì không cho vay tiền để đầu tư, làm ăn” - ông Bính đề xuất.

Về hướng đi vững bền cho ngành hồ tiêu, Bộ NNPTNT nhận định, quan trọng là cần khắc phục vấn đề diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt; sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế…

Ngoài các yếu tố trên, Cục Xuất nhập khẩu chỉ rõ: Thời gian tới, giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…

Anh Thơ/http://danviet.vn/
X
em bài viết gốc tại đây!