Tìm ra lợi thế từng vùng để định hướng sản xuất nông nghiệp
- Thứ năm - 04/01/2018 10:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2017, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp và có hiệu quả hơn, thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng, theo đó tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 36 tỷ đô la Mỹ, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016.
Năm 2018, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8 đến 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 37-37 tỷ đô la Mỹ, có 37% số xã và 53 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới.
Tại đầu cầu Nghệ An, phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nêu rõ: Năm 2017, mặc dù có nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, nhưng ngành NN&PTNT Nghệ An đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Đặc biệt, Nghệ An đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Tập trung đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong đánh bắt thủy sản, nâng cao giá trị kinh tế thủy sản; Công tác phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn được triển khai có hiệu quả.
Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất một số vấn đề như: Kiện toàn bộ máy phòng chống thiên tai đồng bộ, chuyên nghiệp; Đề nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ kinh phí để Nghệ An sớm khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi đã bị hư hại, xuống cấp. Đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT sớm thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng huyện Nam Đàn là huyện NTM kiểu mẫu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các ngành các cấp phải thực sự vào cuộc cùng ngành Nông nghiệp, cùng nhau đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh. Các địa phương phải chủ động nâng cao năng lực, tìm ra lợi thế của mình, sản xuất những sản phẩm mà thị trường có nhu cầu và phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, địa phương.
Đặc biệt, điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa chăn nuôi và trồng trọt, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả cao hơn. Nhân rộng các cách làm hay, sáng tạo, tăng cường trao đổi thông tin giữa các địa phương, giữa nông dân. Các bộ, ngành, địa phương đề xuất giải pháp phù hợp trình Chính phủ nhằm phát triển và chấn chỉnh hoạt động các ngành dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng KHCN, kiểm soát các sản phẩm “đầu vào”; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản, nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Thủ tướng giao các cơ quan đại diện ở nước ngoài phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tìm kiếm, phát triển thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Ngành Nông nghiệp và các địa phương phải tổ chức đảm bảo nguồn hàng cả về số lượng và chất lượng để phục vụ tốt nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời chủ động phát triển sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế lâm nghiệp, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ.
Theo Báo Nghệ An