Tin NN ĐBSH: Kiểm soát thị trường hàng hóa lúc dịch bệnh

Tin NN ĐBSH: Kiểm soát thị trường hàng hóa lúc dịch bệnh
Thị trường hàng hóa sau Tết Nguyên đán có sự biến động về giá một số mặt hàng, ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết trong dịp Tết và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra.

Vĩnh Phúc: Kiểm soát thị trường hàng hóa lúc dịch bệnh

Để đảm bảo kiểm soát thị trường, tránh tình trạng “khan hàng, sốt giá”, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt thị trường, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu với giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng.

 

vp.jpg
Người dân chủ động dự trữ thực phẩm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona gây ra. Ảnh Thế Hùng

 

Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh, trên cơ sở nắm bắt tình hình thị trường, nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết và năng lực SXKD, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa, thực hiện công khai giá hàng hóa, dịch vụ và bán theo giá niêm yết; cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa đến người tiêu dùng, nên nhìn chung, thị trường hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh dịp trước, trong Tết Nguyên đán cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân.

 Mặc dù vậy, do nguồn lợi lớn của việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nên một số đối tượng vẫn thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán các loại hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Trước thực tế đó, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT thường trực 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết, nắm bắt địa bàn để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo ATTP, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại. Trong đó, tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán như: Bánh, kẹo, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm đóng gói sẵn… đặc biệt kiểm tra các mặt hàng cấm như pháo các loại và đồ chơi nguy hiểm.

Qua kiểm tra 108 lượt vụ, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành xử phạt hành chính 50 vụ với tổng số tiền hơn 239 triệu đồng với các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng giả và quyền SHTT, trong lĩnh vực giá...

Tuy nhiên, từ chiều 30/1/2020, khi Bộ Y tế chính thức thông tin Vĩnh Phúc có 2 bệnh nhân dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra, thị trường khẩu trang y tế nói riêng, các trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe nói chung trên địa bàn tỉnh và cả nước trở nên "nóng" hơn.

Một số địa phương đã xảy ra hiện tượng gom, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng này so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Để kiểm soát thị trường, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lê Hùng cho biết: "Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT phụ trách địa bàn tăng cường công tác quản lý địa bàn, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát hiện các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm mặt hàng là trang thiết y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng chữa bệnh trên thị trường để mua vét, gom hàng hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý khi có biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh nCoV...".

Theo ghi nhận của phóng viên, từ sau Tết Nguyên đán, ngoại trừ các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, rau củ quả, thị trường hàng hóa nói chung, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm các loại... cơ bản ổn định nguồn cung, giá cả không tăng so với dịp trong Tết.

Mặc dù không tăng giá, song sức mua của một số mặt hàng như: Mỳ tôm, sữa các loại, nước lau sàn... đến trứng gia cầm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử tại Cửa hàng tạp hóa Bính Phan, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên), số lượng các mặt hàng này được tiêu thụ nhiều hơn từ chiều mùng 6 Tết, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội: Bảo đảm đủ thực phẩm, hàng hóa thiết yếu 

Những ngày qua tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm diễn ra tình trạng người tiêu dùng tăng cường dự trữ thực phẩm tươi sống, rau xanh. Ghi nhận của phóng viên, ngày 5-2 tại hệ thống thực phẩm Bác Tôm, Sói Biển... trên các phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Sơn (quận Long Biên), Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân)...cho thấy, người dân tới mua thực phẩm khá đông, trong đó nhiều người mua với số lượng lớn rau, củ, thịt cá...

 

coopmart-corona.JPG
 Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Co.op mart Hà Đông.

 
Tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, lượng khách hàng mua thực phẩm tăng mạnh. Về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Hà Nội bảo đảm hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, rau xanh để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều doanh nghiệp còn chủ động khai thác lượng hàng hóa từ khu vực phía Nam về để cung ứng cho Hà Nội, tăng lượng hàng hóa gấp 2-3 lần. Do đó, giá cả các mặt hàng vẫn giữ nguyên như trong dịp trước Tết, trong đó một số mặt hàng rau, củ, quả trong siêu thị còn rẻ hơn chợ truyền thống.

Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc điều hành Siêu thị Big C miền Bắc cho biết, đối với mặt hàng rau, củ, quả, Big C đã làm việc trực tiếp với nhà cung cấp để bảo đảm lượng hàng tốt nhất, đồng thời tăng cường nguồn rau, củ, quả từ Đà Lạt về để bù lại lượng rau bị ảnh hưởng do mưa đá thời gian qua. Đặc biệt, siêu thị Big C cũng đã làm việc với các nhà cung cấp lớn để dự trữ, tăng gấp 3 lần số lượng hàng hóa thiết yếu, bảo đảm trong thời gian này, đủ nguồn cung cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho hay, siêu thị lúc nào cũng đủ nguồn hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Nguồn cung các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ khô… được chuẩn bị tăng 40%-50% so với cùng kỳ năm trước.

Về phía doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, sau Tết Nguyên đán Canh Tý, nông dân trên địa bàn xã tiếp tục vào vụ trồng rau mới, trồng luân canh với diện tích 220ha, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 40-50 tấn rau. Hiện, giá rau tại vùng sản xuất vẫn ổn định so với thời điểm trong Tết.

Theo ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình, phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), trung bình mỗi ngày đơn vị xuất bán từ 8 tạ đến 1 tấn rau, củ, quả cho các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị... Nhìn chung, giá rau sau Tết ổn định; thời tiết rét, nhưng chưa ảnh hưởng đến trồng rau của nông dân.

Đánh giá về tình hình sản xuất rau và nhu cầu tiêu thụ của Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, mấy ngày qua trời rét, nhưng chưa ở ngưỡng rét hại, nên không ảnh hưởng nhiều đến diện tích rau mới trồng. Đến ngày 5-2, toàn thành phố đã gieo trồng được gần 9.100ha rau vụ xuân, dự kiến hết tháng 2-2020 sẽ trồng toàn bộ 12.000ha rau.

Để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau dịp Tết, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp phân phối đẩy mạnh đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý; kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối của mình đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận...

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn tăng khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để thiếu hàng, bán hàng không đúng giá niêm yết...

Hưng Yên: Sẵn sàng cho vụ lúa xuân

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy hơn 29,7 nghìn ha lúa, với trà muộn chiếm 100% diện tích; phấn đấu gieo cấy lúa chất lượng cao đạt từ 68% diện tích trở lên. Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các địa phương và nông dân đã và đang tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết phục vụ gieo cấy lúa xuân.

Sau những ngày vui xuân, đón tết, tại nhiều cánh đồng của huyện Kim Động, nông dân đã xuống đồng vạc bờ, cuốc góc, tập kết phân bón, làm đất... chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Ông Nguyễn Văn Mạnh ở xã Hùng An cho biết: “Vụ này, gia đình tôi gieo cấy 4 sào lúa. Để bảo đảm thời vụ gieo cấy, tôi và những hộ có ruộng ở đây đã hợp đồng với chủ máy kéo làm đất. Đến nay, toàn bộ diện tích đã  làm đất xong, phân bón được chuẩn bị đủ, mạ đã gieo trên nền đất cứng, khi đủ tuổi sẽ cấy”.

 

hy.jpg
Nông dân huyện Phù Cừ xuống đồng làm đất chuẩn bị sản xuất vụ xuân

 

Đồng chí Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Vụ xuân này, huyện phấn đấu gieo cấy 3,7 nghìn ha lúa, tập trung gieo cấy 100% trà muộn, tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm từ 65% diện tích trở lên, gồm các giống chủ lực như: Nếp thơm Hưng Yên, TBR-1, Đài thơm 8, Hà Phát 3, phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 5.3. Căn cứ kế hoạch sản xuất, những ngày qua, các xã, thị trấn trong huyện tăng cường thông tin về cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo cấy trên hệ thống truyền thanh cơ sở và các khu dân cư. Các cấp hội nông dân, đại lý, HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động liên kết với các đơn vị sản xuất, cung ứng thóc giống, vật tư phân bón bảo đảm chất lượng cho nông dân.

Từ đầu tháng 1, một số trạm bơm trên địa bàn huyện đã bơm nước đổ ải. Đến nay, huyện đã hoàn thành kế hoạch đổ ải. Huyện đang đôn đốc các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân xuống đồng vệ sinh đồng ruộng, huy động phương tiện làm đất và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho gieo cấy lúa xuân; phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, rau màu vụ xuân cho nông dân.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến ngày 30.1, toàn tỉnh đã làm đất đợt 1 được hơn 19 nghìn ha, làm đất đợt 2 được hơn 3,5 nghìn ha, gieo mạ được hơn 1,3 nghìn ha. Để hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa xuân, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương và Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh tập trung chỉ đạo lấy nước đổ ải theo kế hoạch đã được xây dựng; chủ động lắp đặt trạm bơm dã chiến tại những vùng khó khăn về nước để đổ ải hết diện tích gieo cấy theo kế hoạch, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả với phương châm lấy nước đến đâu làm đất ngay đến đó, bảo đảm chất lượng đất cho gieo cấy lúa. Khoanh vùng lấy nước đổ ải, bảo đảm diện tích cây vụ đông chưa đến kỳ thu hoạch, không để lấy nước đổ ải ảnh hưởng đến cây vụ đông.

Chỉ đạo nông dân gieo mạ đúng thời vụ, hạn chế gieo mạ dày xúc, tập trung gieo mạ trên nền cứng là chính để thuận tiện cho bảo vệ mạ, bảo đảm đủ độ ẩm để mạ sinh trưởng, phát triển tốt. Tuyệt đối không gieo cấy khi nhiệt độ trung bình ngày thấp hơn 15 độ C; khi có rét đậm, rét hại, đối với thóc giống đã ngâm ủ, chuẩn bị để gieo mạ dày xúc hoặc gieo thẳng, phải tiến hành các biện pháp hãm mầm mạ, chờ thời tiết ấm mới gieo hoặc chuyển sang phương thức gieo mạ nền cứng. Làm đất kỹ nhuyễn trên diện tích gieo thẳng, triển khai gieo thẳng đúng lịch thời vụ. Khi gieo cấy, phải bón lót đủ, bón thúc đúng theo quy trình thâm canh của từng giống lúa; tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân vi lượng, phân bón NPK tổng hợp./.

Theo KTNT