Tín dụng chính sách “khơi” dòng nước sạch về nông thôn

Tín dụng chính sách “khơi” dòng nước sạch về nông thôn
Đánh dấu chặng đường 13 năm, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã mang đến nhiều niềm vui và hạnh phúc với người dân khắp vùng miền trong cả nước.

Đến thăm gia đình chị Bùi Thị Ánh ở xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình khi thời tiết bắt đầu vào hè, ai cũng vui lây khi chứng kiến cả gia đình đều phấn khởi với dòng nước mát sạch khi mùa nắng nóng đang đến gần.

Chị Bùi Thị Ánh ở xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.


Chị Ánh mới được vay 12 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư đường ống dẫn nước sạch vào nhà. Chị Ánh hồ hởi cho biết, từ khi có nước sạch, chất lượng cuộc sống của gia đình được nâng lên. Không còn tình trạng nước nhiễm phèn, mặn mà thay vào đó là nguồn nước trong mát, đảm bảo chất lượng.

 “Giờ có bể nước này, các thành viên trong gia đình không còn đau mắt, lở da, đặc biệt về đường tiêu hóa, gia đình an tâm sử dụng, vật nuôi cũng được vệ sinh sạch sẽ”, chị Bùi Thị Ánh phấn khởi nói.

Trước kia, người dân ở Kim Sơn (Ninh Bình) luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Phần lớn nước sinh hoạt đều dựa vào nguồn nước giếng đào, giếng khoan.

Một số xã vùng đất ven biển của huyện Kim Sơn hầu hết nước ở các giếng bơm lên hàm lượng sắt trong nước cao, để một lúc lắng vàng ở dưới; nhiều nơi nguồn nước ngầm ít.

Chất lượng nguồn nước không đảm bảo, nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Còn các xã vùng trong thì nước giếng bơm lên bị vàng đục. Vì thế, có được nước sạch để dùng là ước mơ của nhiều người dân nơi này.

Trong bối cảnh đó, Nhà máy cấp nước tập trung ở xã nông thôn mới Yên Lộc (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) được xây dựng năm 2011, với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng được hoàn thành và đưa vào hoạt động đã đáp ứng sự mong mỏi và nhu cầu cấp thiết về nước sạch của nhân dân.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là từ đường ống trục đưa nước vào tận nhà mỗi hộ phải mất 5 - 7 triệu đồng. Với khó khăn đó, nguồn vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách Xã hội trở thành cứu cánh cho người dân nông thôn. Nhờ nguồn vốn này mà đến nay 85% số dân trong xã được dùng nước sạch.

Hệ thống cấp nước sạch tập trung xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Là một trong những hộ gia đình vay vốn ưu đãi để lắp đặt nước máy sử dụng, ông Trần Văn Mỹ, xóm 6, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) cho hay:

“Cũng nhờ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn kịp thời, tôi lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt và xây nhà vệ sinh. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, lại có thêm vốn vay ưu đãi từ ngân hàng nên gia đình tôi và nhiều gia đình trong thôn rất phấn khởi vì từ nay đã có nguồn nước chất lượng để sử dụng, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường”.

Ông Mai Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lộc cho biết, năm 2016, dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của xã xếp thứ 3, sau chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ nghèo.

Nhu cầu vay vốn về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở đây là rất cao và nguồn vốn sử dụng rất hiệu quả giúp cuộc sống của bà con nơi đây được nâng cao, số ca mắc bệnh về da, về mắt, về tiêu hóa do sử dụng nguồn không vệ sinh giảm đáng kể. 

Với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình khu vực nông thôn được vay tối đa 6 triệu đồng cho một công trình nước sạch hoặc một công trình vệ sinh, thời hạn vay 5 năm kể từ ngày giải ngân. Mức vay tối đa để một hộ thực hiện cùng lúc cả 2 công trình là 12 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn không nhằm mục tiêu kinh doanh.

Mục tiêu là giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Số liệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cho thấy, hiện tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong cả nước đạt trên 84%. Số hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn trên 63%. Sau hơn 13 năm thực hiện, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã triển khai tới 63/63 tỉnh, thành với tổng dư nợ đạt gần 25.057 tỷ đồng; trong đó gần 2,6 triệu khách hàng còn dư nợ. 

Đánh dấu chặng đường 13 năm, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã mang đến nhiều niềm vui và hạnh phúc với người dân khắp vùng miền trong cả nước.

Tính từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình đến nay đã có trên  9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng giúp cho gần 4,4 triệu lượt hộ gia đình trên toàn quốc được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, góp phần  đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng dân cư và nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn.

Có được nguồn nước sạch sử dụng là mong mỏi bao đời của người dân, khi mà vấn đề nguồn nước do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình hình xâm ngập mặn nghiêm trọng, hạn hán trên diện rộng xảy ra với tần suất nhiều hơn. Nhu cầu bức thiết về nước sạch của người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đã được giải quyết phần nào. 

Tuy nhiên với mức vay 6 triệu đồng/công trình/hộ, so với nhu cầu của các hộ vay vốn chưa đáp ứng được chi phí xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh đạt chuẩn. Trước thực tế đó, nhiều người dân tại Ninh Bình đều mong muốn được nâng mức cho vay để đáp ứng nhu cầu thực tế. 

Ông Trần Văn Mỹ ở xóm 6, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) chia sẻ, được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi là rất quý.

Tuy nhiên, mức vay 6 triệu đồng/công trình như hiện nay thì hộ gia đình phải vay mượn thêm bên ngoài mới đủ bởi giá cả trên thị trường hiện nay tăng cao so với trước kia.

Nếu mức vay được nâng lên tối đa lên 12 triệu đồng/công trình thì sẽ tạo điều kiện cho những  người dân còn nhiều khó khăn nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe vì một cộng đồng phát triển./.