Tín dụng cho người nuôi tôm: Bao giờ mới hết luẩn quẩn?
- Thứ tư - 05/03/2014 05:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thiếu hỗ trợ
Hiện nay, theo tình hình chung, dịch bệnh trên tôm dù đã giảm hơn so với các năm trước nhưng còn rất phức tạp, diện tích tôm nuôi thiệt hại vẫn gây nhiều tổn thất. Cùng đó, những tháng đầu năm, thời tiết diễn biến phức tạp và có dấu hiệu bất thường đã khiến nhiều vùng tôm trở tay không kịp. Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay các tỉnh ĐBSCL đã có trên 1.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại.
Năm qua, mặc dù ngành tôm thắng lớn, khi sản lượng và giá cả đều tăng cao, người nuôi có lãi trở lại, tuy nhiên, số hộ lỗ vẫn còn khá đông. Chưa kể, nhiều người nuôi tôm do thua trong những năm trước còn tồn lại đã dẫn đến thiếu vốn tái sản xuất. Và càng khó khăn hơn khi ngân hàng gần như “đóng cửa” với con tôm.
Tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn tái diễn phức tạp - Ảnh: Phan Thanh Cường
Bên cạnh đó, dù là mặt hàng đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp nhưng tôm vẫn chịu nhiều thua thiệt, đặc biệt, các hỗ trợ (nhất là vốn) còn nhiều bất cập. Chính sách hỗ trợ vốn vay tín dụng cho các trại sản xuất, kinh doanh tôm giống có triển khai nhưng hiệu quả đầu tư cho vay vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và người nuôi. Hơn nữa, so với cá tra (dù thua tôm trong cả xuất khẩu và nuôi trồng) con tôm vẫn yếu thế trong việc hỗ trợ tín dụng từ Chính phủ, như thực hiện việc giãn nợ và cho vay với mức lãi suất thấp trên thị trường (11%). Những bất cập này đến nay chưa được tháo gỡ là mấy.
Bất an với bảo hiểm
Theo Quyết định số 315/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013, người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau là đối tượng được bảo hiểm. Mục đích của chương trình là hỗ trợ cho nông dân chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.Tuy nhiên, chưa hết thời gian thí điểm, bảo hiểm tôm nuôi gần như vỡ trận.
Tình trạng chung là hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều kêu lỗ. Theo thống kê, tính đến tháng 7/2013, Công ty Bảo Việt Sóc Trăng thí điểm bảo hiểm tôm nuôi cho 3.458 hộ, với phí thu được hơn 70 tỷ đồng, nhưng phải bồi thường 218 tỷ đồng. Tương tự, Công ty Bảo Việt Bạc Liêu cũng phải bồi thường cho 1.212 hộ nuôi tôm tổng cộng 168,5 tỷ đồng, trong khi vẫn còn gần 20 ha tôm nuôi bị chết chưa bồi thường cho dân với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến cho việc thực hiện bảo hiểm tôm nuôi trong năm 2013 gần như án binh bất động. Lý do mà các đơn vị này đưa ra là “chờ chỉ đạo của Tổng Công ty Bảo Việt, đang giải quyết tồn đọng nên chưa thể triển khai tiếp bảo hiểm tôm nuôi”.
Cùng đó, hàng loạt vụ tranh chấp, khiếu kiện về đền bù bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp thực hiện thí điểm rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, còn người nuôi tôm hụt hẫng vì lo mất chỗ dựa. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau chia sẻ, nuôi tôm là nghề mưu sinh duy nhất của nhiều nông dân, họ dồn hết vốn liếng vào đó. Không được bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm, nhiều hộ không thể đầu tư tái sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài thì người nuôi tôm ở ĐBSCL sẽ chẳng còn thiết tha với loại hình bảo hiểm này.
Do vậy, để con tôm thực sự bền vững, các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương nên chăng vào cuộc mạnh hơn nữa!