Tín dụng nông nghiệp rộng cửa?

Tín dụng nông nghiệp rộng cửa?
Theo ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Đồng Nai, hiện lãi suất cho vay nông nghiệp chỉ còn 8%/năm, mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Cùng với việc hạ lãi suất, một số ngân hàng ngày càng quan tâm, ưu đãi cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này đang mở rộng cơ hội cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

Vốn rẻ cho nông nghiệp

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai, cho biết, ngay sau khi hạ trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại lớn, gồm: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV và MHB giảm lãi suất tối đa về 8%/năm đối với các khoản vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm... “Đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng. Trong tình hình khó khăn về thị trường, nợ xấu gia tăng, một số ngân hàng cũng đang tính toán việc gia hạn nợ, giãn nợ, giảm một phần lãi suất với những khoản nợ xấu, góp phần gỡ khó cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản”, ông Mạnh nói.

Ông Trinh nhấn mạnh: “Nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khá dồi dào. Tuy nhu cầu vay vốn những tháng đầu năm không cao nhưng tính đến cuối tháng 2/2014, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của ngân hàng vẫn đạt 6.966 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Vay vẫn không dễ

Nông dân vui mừng trước thông tin lãi suất vốn vay giảm, nhưng không ít người tỏ ra thờ ơ vì việc tiếp cận đồng vốn ngân hàng không dễ. Anh Lê Xuân Hoàng, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Vườn Xanh (xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất), cho rằng: “Nông dân luôn có nhu cầu vay vốn để đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi. Nhưng khi mang tài sản thế chấp chỉ được vay khoảng 50% giá thị trường. Một số thành viên trong hợp tác xã phải thuê đất để sản xuất, nên dù dự án tốt vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng”.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ một trang trại trồng rừng và chăn nuôi gia súc tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Tôi là khách quen của nhiều ngân hàng, với đồng vốn giải ngân hàng tỷ đồng nhờ lợi thế có diện tích trang trại trồng rừng rộng 270ha, kết hợp chăn nuôi hàng trăm con trâu, bò, dê... Tuy tôi luôn tuân thủ việc thanh toán, nhưng khi cần vay thêm vốn vẫn gặp khó khăn vì những điều kiện khắt khe về tài sản thế chấp. Tôi từng điêu đứng vì có đợt vay vốn với lãi suất khởi điểm 12% và sau đó bị điều chỉnh tăng lên 18%/năm. Lãi suất hiện nay thấp, tôi đã mạnh dạn làm hồ sơ tiếp tục vay trên 10 tỷ đồng mở rộng sản xuất, nhưng cũng rất lo tình trạng lãi suất bị thả nổi theo thị trường”.

Ông Trinh thừa nhận: “Tuy mức lãi suất đã giảm, nhưng về cơ chế cho vay vẫn phải tuân thủ theo quy định đã có. Như vậy, những đối tượng đã vay trước khi lãi suất giảm vẫn phải trả theo mức lãi suất đã thỏa thuận. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, nhiều nông dân, đơn vị đang còn nợ ngân hàng sẽ khó đủ điều kiện vay thêm vốn mới với mức lãi suất thấp”.

 

Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Đồng Nai đạt trên 12.970 tỷ đồng, trong đó 1.783 tỷ đồng dư nợ không phải đảm bảo bằng tài sản. Với những quy định mới, mức vay không tài sản thế chấp sẽ được điều chỉnh tăng. Cụ thể, mức vay với cá nhân từ 10 triệu đồng được nâng lên 50 triệu đồng; từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng với trang trại; 100 triệu đồng lên 500 triệu đồng với hợp tác xã...

 

Bình Nguyên
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn