Tin tức Đông Nam Bộ: Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Thứ hai - 13/11/2017 07:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bình Phước: Áp dụng mô hình trồng cây nghệ xen kẽ với cây cao su non
Cụ thể, các hộ dân tại xã Tân Hoà, huyện Đồng Phú đã áp dụng mô hình này, nếu so với các loại cây ngắn ngày như cây củ đậu, khoai lang thì cây nghệ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Với giá bán nghệ tươi ở mức 7.000 đồng/kg cho công ty sau khi trừ chi phí đầu tư phân bón và giống, bước đầu nhiều hộ dân đã thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Mô hình trồng cây nghệ xen canh với cây cao su non đang phát huy hiệu quả kinh tế cao
Cây nghệ vốn dĩ có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt bên các loài cây ăn trái, dưới cây lâm nghiệp chưa khép tán, tăng độ che phủ trên đất dốc, giảm xói mòn, hạn chế được cỏ dại và còn giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Hiện trên địa bàn xã Tân Hòa có khoảng 40 ha nghệ, người trồng nghệ trên địa bàn xã có xu hướng sau khi thu hoạch tự chế biến thành bột hoặc tinh bột nghệ nhằm thu lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, bước đầu việc áp dụng mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao nhưng người dân cũng nên tìm hiểu kỹ trước khi trồng, tránh tình trạng trồng ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu.
Đồng Nai: Giết mổ gia công bị làm giá
Sau khi lò mổ Xuyên Á bị đóng cửa trong hơn 1 tháng qua, khu vực tỉnh Đồng Nai các thương lái phải tìm các lò giết mổ khác khiến tình trạng các lò giết mổ tăng giá gia công, chi phí vận chuyển cao, rủi ro thua lỗ lớn... buộc họ phải ép giá heo hơi của người nuôi. Cụ thể, khi lò mổ Xuyên Á còn hoạt động, phí giết mổ gia công chưa đến 100.000 đồng/con heo. Nhưng từ khi lò mổ đóng cửa giá heo giết mổ gia công cũng “nhảy múa” theo, lò tính 140.000 đồng/con, lò đòi đến 160.000 đồng/con. Tuy nhiên, khó khăn không nhỏ khác là những lò giết mổ thay thế đều ở xa, mất cả tiếng đồng hồ vận chuyển, chi phí vận chuyển cũng tăng cao mà rủi ro trễ chợ, thịt ế xảy ra như cơm bữa.
Trước tình trạng này, phía thương lái mong ngành chức năng của Đồng Nai làm việc với TP. Hồ Chí Minh để có giải pháp gỡ khó cho cả thương lái và người chăn nuôi. Ngoài giải pháp cho lò mổ Xuyên Á hoạt động trở lại, các thương lái cho rằng TP.Hồ Chí Minh nên tạo điều kiện cho một số lò giết mổ lớn đã được đầu tư gần khu vực chợ đầu mối Tân Xuân sớm đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay.
Tây Ninh: Mô hình trồng cây gòn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao
Người dân tỉnh Tây Ninh trước đây chỉ trồng cây gòn với mục đích chính vẫn là bán trái gòn, lợi nhuận không cao. Tuy nhiên, khi tìm hiểu nhiều người dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu mua cây gòn về để làm trụ trồng tiêu. Việc trồng cây gòn làm trụ cho tiêu leo rất lợi thế, vốn thân cây gòn mọc thẳng đứng, rất khó ngã đổ, lại lợi thế về chiều cao, có thể chừa nhánh cho tiêu leo từ 5 - 6 cm để tăng năng suất, trong khi đó các loại cây trụ khác không thể có được.
Bên cạnh đó, thời gian trồng cây gòn chỉ khoảng 1 năm, đến khi cây có đường kính gốc khoảng 8cm, chiều cao 3m, thương lái sẽ đến vườn thu mua tại vườn. Với giá cây gòn được thương lái thu mua trung bình khoảng 30.000 đồng/cây, sau khi trừ hết các chi phí lợi nhuận vẫn còn cao hơn so với trồng các loại cây khác.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Thời tiết không thuận lợi, người trồng hoa như ngồi trên đống lửa
Thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân trồng hoa tại các huyện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu xuống giống cho vụ hoa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tuy nhiên, mùa mưa kéo dài, lượng mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, khiến người trồng hoa gặp không ít khó khăn trong quá trình chăm sóc. Cụ thể, thời tiết bất lợi khiến các loại nấm, sâu bệnh gây hại có điều kiện thuận lợi để phát triển, đặc biệt là nấm gây rụng lá, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của hoa. Theo thông tin từ ngành nông nghiệp địa phương, vụ hoa tết năm nay hiện tỉnh có hàng trăm ha hộ nông dân trồng hoa, tăng 20% so với thời điểm năm 2016. Năm nay, thời tiết thất thường đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của một số loại hoa. Vì thế, ngành nông nghiệp địa phương cùng các đơn vị chuyên môn đã tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa và phương án đối phó với thời tiết bất lợi.
TP. Hồ Chí Minh: Phân phối thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. tại hệ thống siêu thị của Saigon Coop
Theo đó, lần đầu tiên tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Anova Farm được Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union qua nhiều bước tự đánh giá và thanh kiểm tra đã trao chứng nhận tiêu chuẩn GlobalG.A.P. Cụ thể, tiêu chí đánh giá của GlobalG.A.P. dành cho trang trại, đơn vị tham gia phải đạt 100% của 143 tiêu chí xếp loại Major Must (tiêu chuẩn cần thiết chính), 95% của 69 tiêu chí xếp loại Minor Must (tiêu chuẩn cần thiết phụ) và 36 Recommendation (tiêu chuẩn khuyến nghị), qua nhiều bước tự đánh giá và thanh tra kiểm tra từ Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union.
Thịt heo sạch chính thức được phân phối tại hệ thống của Saigon Coop sẽ giúp người tiêu dùng được tiếp cận với thực phẩm sạch
Theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P. sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, an sinh vật nuôi, an toàn và phúc lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực trang trại. Quan trọng, sản phẩm heo thịt thương phẩm từ trang trại đạt chuẩn GlobalG.A.P. luôn được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng cao và có thể truy xuất được nguồn gốc.
Sau một thời gian chuẩn bị các sản phẩm thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. của Công ty Công ty Cổ phần Anova Farm đã chính thức được bán tại 13 siêu thị của hệ thống Saigon Coop. Sản phẩm được đưa vào bán tại hệ thống của Saigon Coop sẽ giúp người dân được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, không chứa chất cấm và dư lượng kháng sinh giúp đảm bảo sức khoẻ của người tiêu dùng trước vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay.
Lại Hùng (tổng hợp)/kinhtenongthon.com.vn