Tổ chức lại sản xuất sau mưa lũ

Tổ chức lại sản xuất sau mưa lũ
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, đợt mưa lũ vừa qua tại nhiều địa phương khu vực miền bắc và Bắc Trung Bộ, ngoài thiệt hại về người, ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng các địa phương khu vực phía bắc đã có hơn 11 nghìn con gia súc, 300 nghìn gia cầm bị chết, nước lũ cuốn trôi hàng chục nghìn héc-ta lúa, rau màu bị hư hỏng do ngập úng…

Trong khi đó, chỉ còn hơn hai tháng nữa là bước sang năm mới 2018 và chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất, nhu cầu về lương thực, thực phẩm dự kiến sẽ tăng cao. Vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng và các địa phương cần có biện pháp cụ thể, rốt ráo, triển khai đồng bộ, vừa khẩn trương thống kê thiệt hại và hỗ trợ nông dân ở các vùng thiên tai sớm ổn định cuộc sống, vừa hướng dẫn người dân khôi phục nhanh sản xuất, bảo đảm cung - cầu trên thị trường.

Trước tiên là những vùng bị ngập lụt sâu và trong thời gian dài khiến cho gia súc, gia cầm bị chết, hoa màu bị ngập úng, môi trường bị ô nhiễm nặng. Tại đây, dịch bệnh có nguy cơ đe dọa đến sản xuất nông nghiệp và con người. Do đó, cùng với việc tích cực bơm nước “cưỡng bức” để tiêu úng càng nhanh càng tốt nhằm cứu những diện tích lúa, hoa màu bị ngập, cần hướng dẫn người dân sau khi nước lũ rút, khẩn trương vệ sinh chuồng trại, sử dụng thuốc sát trùng để tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh.

Những địa phương có số lượng gia súc, gia cầm bị chết với số lượng lớn cần tổ chức tiêu hủy, chôn lấp đúng cách để bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, xây dựng lại chuồng trại, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, cũng như thức ăn, con giống để chủ động tái đàn.

Đối với diện tích hàng nghìn héc-ta lúa, rau màu bị ngập úng, cần căn cứ vào thời vụ gieo trồng của từng loại cây để có biện pháp khôi phục, hay thay thế bằng loại cây trồng khác. Thí dụ như các loại cây vụ đông ưa thời tiết ấm như dưa, bí, khoai lang,... đã kết thúc thời vụ thì không nên trồng mới. Riêng cây ngô, mặc dù đã qua thời vụ, nhưng vẫn có thể trồng để lấy thân, lá làm thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi.

Đối với su hào, cải bắp, súp lơ... đây là loại cây màu tiêu thụ mạnh mỗi khi Tết đến xuân về, do đó các địa phương cần chủ động khuyến cáo nông dân hoàn toàn có thể tận dụng ngay từ khi chân ruộng chưa thoát được nước nhưng có thể gieo hạt từ bây giờ bằng gieo trong bầu, vườn ươm. Khi nước rút là làm đất, lên luống cao và trồng ngay ra ruộng, tạo điều kiện cho rễ cây đã gieo trồng phục hồi nhanh. Mặt khác, cần dự báo thị trường để người dân biết, sử dụng các giống rau, củ cho năng suất rất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, bảo đảm quá trình thu hoạch đúng thời vụ.

Trên cơ sở Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh ban hành ngày 9-1-2017, các địa phương cần khẩn trương thống kê đầy đủ, chi tiết, kết hợp kiểm tra xác minh sớm những thiệt hại, bảo đảm chính xác để đề xuất trình Chính phủ. Đồng thời, chủ động trích từ nguồn ngân sách của địa phương, kết hợp với nguồn tiền, hiện vật tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân vùng lũ, để phân bổ kịp thời, đúng đối tượng, nhằm giúp nông dân sớm vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất và ổn định đời sống.

 

MINH QUANG/ Nhân dân