Tp. Hồ Chí Minh: Đề án Nâng cao chất lượng đàn bò sữa giúp tăng năng suất, chất lượng sữa
- Thứ tư - 08/01/2020 08:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
So với thời kỳ hoàng kim năm 2014, thì từ năm 2016 đến nay chăn nuôi bò sữa bắt đầu gặp nhiều khó khăn, do các công ty thu mua bắt đầu kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí yêu cầu về chất lượng sữa dẫn đến việc chăn nuôi kém hiệu quả. Để giải quyết khó khăn cho nông dân, UBND TP đã ban hành đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa với mục tiêu cải thiện con giống, công tác thú y và áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi,... nhằm nâng cao chất lượng sữa, tăng năng suất sữa, giảm công lao động tạo điều kiện để các hộ chuyển đổi từ cách nuôi cũ, sang cách nuôi mới hiệu quả hơn, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa.
Để đánh giá kết quả thực hiện Đề án, những ưu điểm đạt được và tồn tại cần khắc phục qua đó đề ra giải pháp giúp phát triển chăn nuôi bò sữa ngày càng bền vững, Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo Tổng kết Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa trên địa bàn TP.HCM tại Ủy ban nhân dân xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi với hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, ban ngành TP, địa phương và nông dân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn TP tham dự.
Theo đó, với chức năng là đơn vị chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân thông qua tập huấn, tham quan, hội thảo và xây dựng mô hình trình diễn… Từ năm 2015 đến nay Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã hỗ trợ cho 364 hộ nông dân với 225 máy vắt sữa đơn lắp đặt hoàn chỉnh, 03 thiết bị máy rửa máy vắt sữa, 640 bình nhôm chứa sữa, 29 máy băm thái cỏ, trục cuốn, 77 máy cắt cỏ, 13 hệ thống phun mưa làm mát chuồng trại, 03 máy phun thuốc sát trùng chuồng trại, 01 máy trộn thức ăn TMR... với mức hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc, thiết bị.
Tại hội thảo tổng kết, người chăn nuôi đã nghe các báo cáo tham luận như Hiện trạng Ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa và kết quả thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đàn bò sữa năm 2016 – 2019; Hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa quy mô nông hộ tại TP.HCM; Giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sữa, Giải pháp giảm stress nhiệt trong chăn nuôi bò sữa và các mô hình điểm hình tham gia mô hình thực nghiệm chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh do Trung tâm Khuyến nông chuyển giao…
Các thiết bị, máy móc được chuyển giao đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đáp ứng theo yêu cầu với một số ưu điểm như về máy vắt sữa đã giúp giảm chi phí công lao động, hạn chế sữa nhiễm vi sinh, rút ngắn thời gian vắt sữa từ 10 - 12 phút/con/lần vắt xuống còn 5 - 7 phút/con/lần vắt, tạo điều kiện tăng quy mô đàn trên nông hộ. Bên cạnh đó, còn giúp cho nông hộ chủ động trong việc quản lý quy trình khai thác sữa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tỷ lệ bò bị viêm vú, nhất là viêm vú tiềm ẩn, hạn chế khả năng lây nhiễm vi sinh từ môi trường vào sản phẩm sữa để bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và người tiêu dùng qua việc khai thác và sử dụng nguồn sữa trong môi trường chăn nuôi hợp vệ sinh, đảm bảo thời gian giao sữa đúng quy định của nhà thu mua sữa; Bình nhôm chứa sữa giúp sữa sau khi vắt được đảm bảo theo yêu cầu nhà thu mua đề ra; Về thiết bị rửa máy vắt sữa giúp việc vệ sinh máy dễ dàng và đúng yêu cầu, cải thiện mức độ giảm vi sinh trong sữa; Máy cắt cỏ cầm tay giúp nông dân thu hoạch cỏ nhanh hơn 10 lao động cắt tay, máy hoạt động tốt, rút ngắn thời gian thu hoạch cỏ từ 2 giờ xuống còn 0,4 giờ, tiết kiệm lao động thu hoạch cỏ, giảm chi phí sản xuất; Máy băm thái cỏ giúp tiết kiệm được công lao động, giúp bò tiêu hóa và tận dụng được các loại thức ăn mà trước đây bò không ăn được do quá cứng, tiết kiệm thực liệu làm tăng hiệu quả kinh tế; Máy trộn thức ăn TMR sẽ khắc phục được tình trạng bò lựa chọn thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi do người chăn nuôi chủ động chọn lựa các thực liệu rẻ tiền phối trộn vào khẩu ăn của bò....
Theo ông Hoàng Nghĩa Tùng – GĐ Trung tâm sữa tươi nguyên liệu Củ Chi (Chi nhánh Công ty CP Sữa Việt Nam- Vinamilk): Đánh giá cao kết quả thực hiện chủ trương của Thành phố đã từng bước giúp nông dân hoàn thiện quy trình chăn nuôi có hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, trong chăn nuôi bò sữa quy mô nông hộ vẫn còn một số tồn tại như chọn giống không phù hợp; Chuồng trại chưa đảm bảo làm bò dễ bị stress nhiệt; Bò mắc bệnh đau chân móng và không có kế hoạch gọt móng định kỳ; Thử CMT không thường xuyên; Quy trình vệ sinh chuồng trại và vệ sinh vắt sữa chưa tuân thủ nghiêm ngặt; Phân nhóm bò chưa hợp lý, dinh dưỡng không cân đối; Chưa có thói quen ghi chép tình hình chăn nuôi… Ông cũng đề xuất các giải pháp để đáp ứng yêu cầu cơ bản nâng cao năng suất và chất lượng sữa tươi nguyên liệu, bán cho công ty với giá tốt nhất như: Giảm ngay tế bào soma trong sữa bằng cách chọn con giống tốt, chuồng trại đảm bảo kỹ thuật, làm mát cho bò và vắt sữa đúng kỹ thuật, vệ sinh thú y; Tăng vật chất khô và chất béo trong sữa bằng cách cho bò ăn thức ăn ổn định, tránh thay đổi hằng ngày như thức ăn thô xanh, cám hỗn hợp và các phụ phẩm khác, thức ăn thô khô, thức ăn ủ chua, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR); Tuyệt đối không để sữa bị nhiễm kháng sinh; Khuyến cáo người dân vắt sữa đúng quy trình và nguyên lý.
Vân Tâm/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/