Trà rau má giúp người trồng tăng thu nhập gấp 5 lần

Trà rau má giúp người trồng tăng thu nhập gấp 5 lần
Ngoài việc phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất an toàn, những năm qua, nhiều người trồng rau má tại huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) còn liên kết, xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ rau má để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nằm ở hạ lưu sông Bồ, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền là vùng quê nổi tiếng trồng các loại rau màu... Từ năm 2002 đến nay người dân xã Quảng Thọ tiếp tục mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa, vùng sản xuất các loại hoa màu cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây rau má. 

Từ những diện tích nhỏ ban đầu, nhận thấy cây rau má phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương và cho hiệu quả cao hơn các cây trồng khác, người dân nơi đây đã mở rộng diện tích lên hơn 40 ha.

Ông Nguyễn Hữu Thọ (54 tuổi, xã Quảng Thọ) cho biết: “Tôi trồng rau má 7 năm rồi. Thấy trồng lúa, ngô, sắn mãi nhưng cũng không khá lên được nên vợ chồng tôi bàn nhau chuyển sang trồng rau má và không ngờ loại rau này lại cho thu nhập cao đến vậy". 

Cây rau má giúp người dân xã Quảng Thọ không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu 

Rau má rất dễ trồng, vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao. Người nông dân chỉ cần trồng một lần nhưng được thu hoạch nhiều năm liền. Mỗi đợt thu hoạch chỉ cách nhau chừng 20 ngày. "Trung bình, mỗi sào cho 2-3 tạ /lứa, giá bán khoảng 5.000-6.500đ/kg, mỗi năm 10 lứa, mỗi sào rau má cho người nông dân 8-10 triệu đồng/sào/năm. Cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Ngoài ra, người trồng không phải lo lắng chuyện đầu ra của sản phẩm”, ông Thọ phấn khởi nói.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, vào năm 2012, xã Quảng Thọ triển khai sản xuất rau má bằng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap trên 100% diện tích nhằm hướng người dân sản xuất rau theo hướng an toàn, đáp ứng quy trình sản xuất rau sạch. Đến nay, tất cả 40 ha rau má của xã Quảng Thọ đều đạt tiêu chuẩn an toàn Vietgap, với hơn 300 hộ dân trồng rau má, tập trung chủ yếu ở thôn Phước Yên và thôn La Vân Thượng.

Người dân sản xuất rau má ở Quảng Thọ đều cam kết tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo hướng an toàn Vietgap từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch để đảm bảo chất lượng cũng như độ an toàn cho rau má. Rau sạch sau thu hoạch được cơ sở thu mua xử lý ô-zôn và phân phối cho thị trường.

Ngoài việc phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất rau an toàn, từ các nguồn kinh phí, HTX Quảng Thọ 2 còn tiến hành xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ rau má. Từ cuối năm 2014, HTX Quảng Thọ 2 đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để sản xuất trà rau má.

Sản phẩm Trà rau má của Quảng Thọ được người tiêu dùng ưa chuộng

Trà rau má Quảng Thọ được người tiêu dùng đánh giá cao, mẫu mã đẹp và có lợi cho sức khỏe. Hiện sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp phép. Nhờ hướng đi này, hiệu quả kinh tế từ cây rau má cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa và rau màu khác.

Không chỉ vậy, để nâng cao giá trị cây rau má, người dân còn đa dạng hóa các sản phẩm để cung cấp cho thị trường như trà rau má hòa tan, nước rau má đóng chai, cao rau má... Điều này không chỉ giúp bà con giải quyết tình trạng bị ép giá mà còn tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương. 

Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được mở rộng ở các siêu thị và khách sạn, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước lân cận. Nhờ trồng rau má, đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quảng Thọ được cải thiện rõ rệt.

Tác giả bài viết: ĐỒNG PHÚ

Nguồn tin: thegioitiepthi.vn