Trái cây tươi nguyên cả tháng nhờ màng bảo quản từ bột sắn và nano bạc
- Thứ hai - 21/05/2018 20:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kéo dài thời gian bảo quản cho quả
Chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi từ nano bạc của TS. Lê Đại Vương (Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế) và TS. Võ Văn Quốc Bảo (Trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế) cùng các cộng sự. Đề tài đã đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc năm 2017, giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017.
TS. Lê Đại Vương cho biết, nano bạc là một trong số các hạt nano thân thiện với môi trường và con người, được ứng dụng rộng rãi hiện nay. Các hạt nano bạc có diện tích bề mặt rất lớn, gia tăng tiếp xúc của chúng với vi khuẩn hoặc nấm và nâng cao hiệu quả diệt khuẩn, nấm. Tuy nhiên, việc tổ hợp các hạt nano bạc trong màng tinh bột sắn nhằm bảo quản hoa quả chưa được nghiên cứu.
Màng bảo quản quả tươi giúp nâng cao giá trị hoa quả tươi. Ảnh: Nhật Tuấn.
“Cho đến nay, những nghiên cứu về sự kết hợp hai thành phần hữu cơ (tinh bột sắn) và vô cơ (nano bạc) để tạo thành polymer, cải thiện tính chất cơ và tăng hoạt tính kháng khuẩn nhằm bảo quản một số nông sản ở Việt Nam ít được nghiên cứu.
Do đó, việc nghiên cứu, chế tạo chế phẩm sinh học có khả năng kháng khuẩn từ tinh bột sắn, nano bạc, từ một số nguồn gốc thực vật có chứa hợp chất fitonxit cao là rất thiết thực. Trên cơ sở đó, chúng tôi chọn đề tài ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi”, TS. Lê Đại Vương chia sẻ.
Giải pháp sáng tạo kỹ thuật của nhóm tác giả đã xác định được thành phần và tỷ lệ nguyên liệu phối trộn để chế tạo chế phẩm nano Ag/TBS/Chitosan bảo quản quýt Hương Cần; chế tạo màng phân hủy sinh học có khả năng kháng khuẩn có độ bền kéo đứt cao tương đương nhựa PE, có khả năng kháng khuẩn, có thể ứng dụng màng này để chế tạo bao bì bảo quản quả tươi như cà chua…
Bước đầu, nhóm nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học này vào quýt Hương Cần, cà chua. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, quả quýt Hương Cần được phun chế phẩm nano có thể tươi lâu đến 37 ngày, đồng thời vẫn giữ được độ ngọt, mùi vị và màu sắc so với chỉ 12 ngày nếu không bảo quản.
Quýt Hương Cần được theo dõi theo thời gian bảo quản. Ảnh: NVCC.
“Nhờ cách bảo quản này, quýt Hương Cần có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển dài ngày do hạn chế dập nát, tăng thời gian bảo quản, giải quyết vần đề bảo quản nông sản. Áp dụng chế phẩm màng bảo quản quả tươi giúp hạn chế việc thu hoạch quýt Hương Cần trước thời điểm thu hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và vitamin C. Đồng thời, hạn chế thất thoát khối lượng, giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên”, TS. Lê Đại Vương cho biết.
Màng phủ hữu cơ dễ dàng phân hủy
Theo TS. Võ Văn Quốc Bảo, phương pháp sử dụng màng bảo quản quả tươi Ag/TBS/Chitosan đơn giản, dễ thực hiện, không tốn nhiều thời gian và công sức cho người nông dân. Qua đó, giúp người dân hiểu hơn về màng phủ phân hủy sinh học có nguồn gốc hữu cơ không gây hại đến sức khoẻ con người và dễ dàng phân hủy trong môi trường.
“Tính sáng tạo của đề tài là tạo ra chế phẩm sinh học từ nano bạc, chitosan và tinh bột sắn, đảm bảo tính an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, đề tài đã ứng dụng công nghệ nano - một lĩnh vực công nghệ mới và tiên tiến, để cải thiện khả năng kháng khuẩn phòng trừ và tiêu diệt các loại vi rút, vi khuẩn, nấm bệnh gây kí sinh trên rau quả.
Do đó, chế phẩm màng bảo quản quả tươi có thể là lựa chọn hiệu quả và rẻ tiền nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại không gây ngộ độc cho con người và gây hủy hoại môi trường”, TS. Võ Văn Quốc Bảo cho hay.
Trong sản xuất, chế phẩm màng bảo quản quả tươi có nguồn gốc tự nhiên nên an toàn cho người, cây trồng, vật nuôi và môi trường. Sản phẩm được chế tạo theo 2 dạng, gồm dạng dung dịch dễ dàng cho bà con nhúng các quả tươi có vỏ để bảo quản và dạng bao bì để bà con bảo quản thuận lợi và dễ dàng vận chuyển. Giá thành của chế phẩm nano này tương đối rẻ và bao bì tương đương với các túi nilon thường.
Tác giả Lê Đại Vương trình bày đề tài trong hội thảo kỷ niệm ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5. Ảnh: Nhật Tuấn.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu đã hợp tác với làng Hương Cần (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhằm giúp bà con bảo quản quýt Hương Cần, một đặc sản của xứ Huế.
TS. Lê Đại Vương cho hay, sau khi ứng dụng thành công bảo quản quýt Hương Cần, nhóm sẽ triển khai hướng dẫn chi tiết kỹ thuật cho người dân để nhân rộng mô hình, phát triển với nhiều loại trái cây khác như thanh long, bưởi...
Ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản quả tươi đã mở ra một tiềm năng vô cùng lớn trong việc giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ tại địa phương mà có thể áp dụng trên toàn quốc. Đây là giải pháp công nghệ giúp cung cấp sản phẩm thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường và thay đổi thói quen lạm dụng thuốc hóa học của nông dân.