Tràn lan nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt: Trách nhiệm của ai?
- Thứ hai - 10/09/2018 04:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông sản nhập khẩu giá rẻ “đội lốt” hàng Việt và bán công khai tại thị trường Việt Nam không còn là câu chuyện mới. Tình trạng này đang diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng khiến người tiêu dùng mất phương hướng, giảm lòng tin vào nông sản Việt.
Trong khi đó, người sản xuất và doanh nghiệp chế biến nông sản trong nước lại “điêu đứng”, bị thiệt hại nặng nề khi khó tiêu thụ sản phẩm. Nguy hiểm hơn, hàng hóa trà trộn đang báo động tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt Nam đã trở nên công khai.
Dễ dàng “hô biến”
Thời gian trước đây, chắc không ai quên vụ nho Trung Quốc mạo danh nho Ninh Thuận bán ở Hà Nội; Sản phẩm mận, đào Pháp ở Bắc Hà (Lào Cai) bị sản phẩm mạo danh bán công khai tại thị trường Hà Nội và TP HCM lừa dối người tiêu dùng. Thời gian gần đây, dư luận lại rộ lên câu chuyện khoai tây Trung Quốc nhập khẩu được “hóa phép” để trở thành khoai tây Đà Lạt - sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Lâm Đồng khiến không ít người bức xúc.
Chị Mai Thúy Hường (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giờ hoa quả lẫn lộn chẳng biết đâu mà lần. Ngay cả vào siêu thị ghi là hoa quả sạch nhưng cũng khó ai biết gốc gác ra sao, có khi mua với giá hàng Việt nhưng lại là hàng Tàu. “Tôi vẫn phải đặt mua hoa quả từ người nhà ở quê tự trồng chuyển lên, càng hạn chế qua trung gian thì càng yên tâm hơn về nguồn gốc và chất lượng”, chị Hường cho hay.
Anh Nguyễn Văn Thức, chủ cửa hàng bán hoa quả tại Chợ Trung tâm thị trấn Đông Anh (Hà Nội) cho biết, hoa quả ngay ở chợ đầu mối thường đã được chia thành nhiều loại, từ cấp thấp cho đến cấp cao tương ứng với giá cả từng loại khác nhau, nhưng đa phần hoa quả ở chợ đầu mối là hàng Trung Quốc. Quan trọng là cách người ta bán như thế nào, chợ nói quả Việt thì biết là quả Việt, quả Tàu thì biết quả của Tàu, cứ mua giá cao thì về bán giá cao, mua được rẻ thì bán giá rẻ.
“Hàng quả lấy ở chợ đầu mối bán buôn cho các cửa hàng tùy theo loại mà có giá khác nhau, hàng Việt, hàng Tàu đủ cả. Mua về bán người ta, nói đấy là quả của Việt Nam thì biết là quả Việt Nam, nhưng nếu quả của Tàu nó giống y chang như thế, nhưng lại được nói là quả Việt Nam thì ngay chúng tôi buôn bán còn không phân biệt được nói gì người mua về ăn”, anh Thức nói.
Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội), anh Nguyễn Phương Bắc, một chủ đại lý cung cấp hoa quả từ phía Nam cho biết, hoa quả Trung Quốc tại chợ chiếm đa số khiến hoa quả Việt gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Đặc biệt, hoa quả Trung Quốc có thể dễ dàng được dán nhãn hoặc được quảng cáo là hoa quả của bất kỳ thương hiệu nào, thậm chí là hoa quả nhập khẩu của bất kỳ quốc gia nào một cách tinh vi mà người tiêu dùng khó có thể nhận biết.
“Thường người ta muốn bán hoa quả gì, hoa quả vùng nào với số lượng lớn chỉ cần đặt hàng với đầu mối “bên kia” là có ngay hàng về bán. Hoa quả được “mạo danh” ngay từ Trung Quốc và được hợp pháp hóa từ chứng nhận, tem nhãn nguồn gốc xuất xứ... Những loại quả này thường có giá rất rẻ khiến hoa quả Việt Nam rất khó cạnh tranh. Vì hai loại quả khác nhau nhưng lại cùng tem nhãn, cùng nguồn gốc xuất xứ thì người mua sẽ chọn giá rẻ. Nếu không kiểm soát được tình hình này, hoa quả giá rẻ không rõ nguồn gốc sẽ sớm "giết chết" hoa quả Việt”, anh Bắc cho biết.
Kiểm soát lỏng lẻo
Đặt vấn đề về thực trạng hoa quả giá rẻ nhập khẩu đội lốt hoa quả Việt Nam với Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nay là Sở Công Thương TP Hà Nội, ông này đánh giá, nông sản Trung Quốc qua biên giới một cách “thoải mái” vào thị trường Việt Nam, sau đó trà trộn mỗi ngày hàng trăm tấn rau củ quả vào Đà Lạt và được “hóa phép” thành rau củ quả của Đà Lạt và được bán với giá rất rẻ, nhiều khi chỉ bằng 1/3 giá sản phẩm nông sản tại vùng sản xuất.
“Có nhiều trường hợp hàng hóa nông sản của Trung Quốc chỉ cần “bôi trơn” cơ quan quản lý, kiểm soát là giá bán mặt hàng này có thể giảm xuống hàng chục lần. Hoặc trong khi chờ đợi cơ quan kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa nhập khẩu, khi chưa cần kiểm nghiệm xong sản phẩm đã xuất hiện tràn lan ngoài thị trường”, ông Phú bức xúc cho biết.
Ông Phú nói rằng, người tiêu dùng bây giờ không thể thông thái được nữa, không biết mua hoa quả thật ở đâu khi hàng hóa nông sản đang bị trà trộn một cách không thương tiếc với đa dạng chủng loại khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”.
“Điều này đã chỉ rõ chuỗi sản xuất, phân phối của chúng ta rất lỏng lẻo, biện pháp phòng vệ thương mại còn rất kém. Việc mua bán bằng tiền mặt, thanh toán qua các trung gian, đường đi của hàng hóa lòng vòng qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn mà không được quản lý. Mã số, mã vạch, QR code…mới chỉ là bắt đầu nên không thể kiểm soát được hết nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa nông sản”, ông Phú cho hay.
Nguyên nhân khác khiến nông sản Việt Nam dễ dàng bị mất thương hiệu ngay chính trên “sân nhà”, theo ông Phú, là do vấn đề sản xuất ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ quy mô còn ít. Đặc biệt, kỷ luật thị trường về nông sản còn rất lỏng lẻo khi bản thân người nông dân không thể tổ chức được thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa.
“Sản xuất nông sản không xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và phân phối nội địa cũng như xuất khẩu. Chúng ta đang tự hại nhau khiến thương hiệu Việt không thể có chỗ đứng tại thị trường trong nước, nhà cung cấp muốn vào siêu thị lại bị ép giá, chiếm dụng vốn nên việc tiếp cận với người tiêu dùng càng khó khăn”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, để hạn chế được việc nông sản Trung Quốc nhập khẩu đội lốt hàng Việt, trách nhiệm rất lớn thuộc về các cơ quan kiểm soát thương mại vùng biên giới như Hải quan, Biên phòng, phải làm sao khống chế được hàng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch trong điều kiện thiếu thiết bị kiểm tra chuyên ngành. Thị trường trong nước, lực lượng quản lý thị trường chưa thực sự sâu sát trong kiểm tra, kiểm soát khiến vấn đề này ngày càng trở nên “nhức nhối”./.