Trăn trở cải thiện đời sống người dân

Là xã thuần nông ở vùng miền núi với 86% dân số là người Raglai, xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Hiện xã mới đạt 6/19 tiêu chí, trong đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân đang là một bài toán khó của địa phương.
Người dân xã Ba Cụm Bắc thu hoạch lúa nước.

Khi chúng tôi đến, người dân ở thôn Dốc Trầu đang thu hoạch lúa. “Lúa năm nay hạt lép nhiều lắm. Cả nhà trông chờ vào ruộng lúa này, nhưng thu hoạch chẳng được là bao”, anh Mấu Thoản chia sẻ. Gia đình anh Thoản có 4 sào lúa nước, 3 sào trồng bắp nên những năm được mùa, cuộc sống của gia đình anh không đến nỗi nào; nhưng những năm mất mùa, mọi người phải đi làm thuê để có thu nhập. Cách ruộng lúa nhà anh Thoản không xa, chị Mấu Thị Phiếu cũng đang nhanh tay gặt lúa, trên lưng chị địu đứa con nhỏ mới 5 tháng tuổi. Chị cho biết: “Con nhỏ, nhưng lúa đã chín nên phải đi cắt, lỡ trời mưa thì mất hết. Lúa mất mùa, mình buồn lắm”. Với đặc điểm là xã thuần nông, người dân Ba Cụm Bắc chỉ biết trông chờ vào ruộng lúa, rẫy mì, bắp, chuối nên thu nhập khá bấp bênh.


Nhằm góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân, những năm qua, xã Ba Cụm Bắc đã cố gắng huy động vốn từ các nguồn khác nhau để xây dựng, sửa chữa các công trình xây dựng cơ bản, thực hiện các mô hình kinh tế. Năm 2013 - 2014, xã được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất hơn 277 triệu đồng để thực hiện 6 mô hình về cây trồng, 16 mô hình về chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã cũng quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc hỗ trợ đầu tư, kết hợp xây dựng các mô hình kinh tế như trồng lúa nước, bắp lai chịu hạn, nuôi heo, bò... từ đó nhân rộng cho bà con. Để từng bước tạo việc làm, đa dạng hóa ngành nghề cho người dân, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Khánh Sơn mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của địa phương như may công nghiệp, mộc dân dụng, hàn điện... Nhờ thế, một số thanh niên trong xã đã trang bị cho mình một nghề nhất định và có thu nhập ổn định phụ giúp gia đình.


Tuy đã nỗ lực, nhưng trong thực tế, việc cải thiện đời sống của người dân xã Ba Cụm Bắc vẫn còn khó khăn. Tính đến thời điểm hiện tại, xã chưa đạt theo tiêu chuẩn thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng NTM là 21 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn cao (hơn 20,5%). Trong khi đó, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động làm việc thấp (khoảng 80%); số lao động qua đào tạo mới đạt 22%. Xã vẫn chưa thành lập được các tổ hợp tác hay mô hình hợp tác xã. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, qua 4 năm triển khai, xã mới đạt được 6/19 tiêu chí. Chính vì thế, từ nay đến năm 2020, để có thể đạt được 13/19 tiêu chí còn lại thực sự là một thách thức lớn đối với xã Ba Cụm Bắc. Theo ông Mấu Xuân Hạnh - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc, từ năm 2010 đến nay, từ nguồn vốn xây dựng NTM hơn 6,3 tỷ đồng, xã đã tiến hành xây dựng, sửa chữa cứng hóa nhiều tuyến đường; sửa chữa một số hạng mục của trường học trên địa bàn. “Tuy vậy, việc xây dựng NTM ở địa phương còn gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn như sửa chữa, xây dựng các công trình xây dựng cơ bản, nguồn vốn phân cấp cho xã thấp, xã lại phải bỏ kinh phí đối ứng, trong khi người dân chỉ có thể đóng góp bằng việc hiến đất chứ không có tiền”, ông Hạnh nói.


Có thể nói, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đối với xã Ba Cụm Bắc còn nhiều khó khăn. Trong đó, làm thế nào để cải thiện đời sống người dân, nâng cao thu nhập vẫn là điều khiến chính quyền và người dân nơi đây băn khoăn, trăn trở. Những yếu tố riêng biệt của vùng miền núi đã tác động vừa gián tiếp, vừa trực tiếp đến kết quả xây dựng NTM tại địa phương. Do vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị và nhân dân trong vùng, tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để xã Ba Cụm Bắc cũng như nhiều xã miền núi khác có điều kiện hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM.

NHÂN TÂM
Theo: baokhanhhoa.com.vn