Trăn trở cùng nông nghiệp
- Thứ năm - 16/10/2014 05:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngoài đa số các DN trong ngành nông nghiệp có mặt tại Diễn đàn DN Nông nghiệp năm 2014, điều bất ngờ là một số doanh nhân “ngoại đạo” đủ lĩnh vực như kiến trúc, công nghệ thông tin... vốn không liên quan gì tới lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có mặt, gửi tới Bộ trưởng Cao Đức Phát những trăn trở, tâm huyết với sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. NNVN xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết tại diễn đàn.
Chưa biết chế biến để tăng giá trị
(Kiến trúc sư Nguyễn Nga, Việt kiều Pháp)
Là một Việt kiều sống lâu năm tại Pháp, nhưng mỗi lần đọc báo, thấy nông dân Việt Nam trả ruộng ngày càng nhiều, không chỉ tôi mà nhiều người con xa xứ rất xót xa. Không phải là người trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng từ thực tế tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp lên nhiều lần, thay vì XK thô như hiện nay.
Đơn cử như tại Pháp, tôi thấy họ chế biến gạo thành sữa gạo bán rất chạy, lúc nào cũng “cháy hàng”. Tôi tìm hiểu được biết công nghệ để SX sữa gạo này chẳng có gì khó khăn, chúng ta có thể tiếp cận rất dễ. Mỗi kg gạo có thể SX được 2 lít sữa, giá sữa gạo ở Pháp lên tới 2 euro/lít, trong khi sữa đậu nành, sữa bò chỉ có 1 đến 1,5 euro, thấp hơn cả sữa gạo. Sữa gạo hiện nay cũng đã được NK về Việt Nam, họ bán tới 65-67 nghìn đồng/lít, trong khi gạo ngon ở Việt Nam hiện nay XK cũng chỉ được 10 nghìn đồng/kg là cao.
Tôi đi nhiều vùng ven biển Việt Nam, thấy diêm dân SX muối khá giống nhiều vùng ở Pháp, chỉ cần thay đổi quy trình một chút xíu là có thể có loại muối như muối ở Pháp. Thế nhưng trong khi diêm dân ta bán muối chỉ có hơn 1.000 đ/kg, thì muối ở Pháp họ dùng trong rất nhiều ngành chế biến, y tế và chăm sóc sức khỏe, họ bán giá quy ra tiền Việt Nam khoảng 100 nghìn đồng/kg, gấp 100 lần ở ta, và họ rất cần NK muối...
Chúng ta XK gạo nhiều thứ 2 thế giới, gạo chúng ta rất ngon, nhưng nông dân thì thu nhập rất thấp, diêm dân làm muối thu nhập còn thấp hơn nữa, tại sao không nghĩ tới những hướng chế biến để nâng giá trị cho sản phẩm?
Có thể thành cường quốc nông nghiệp
(Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT)
Là một DN thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và không hiểu sâu về nông nghiệp, nhưng nông nghiệp thực sự khiến tôi chú ý trong những năm qua. Xin khẳng định những DN thành công nhất, tạo nên uy tín và tên tuổi nhất của Việt Nam hiện nay đều là các DN của ngành nông nghiệp.
Tôi cho rằng nếu Việt Nam chọn gì đó để làm điều kỳ vĩ trong tương lai, thì sự lựa chọn ấy chính là nông nghiệp. Ngành công nghệ thông tin, phần mềm của chúng tôi đang cố gắng đi cùng với thời đại, nhưng nông nghiệp Việt Nam thì hoàn toàn có thể đi trước thời đại và trở thành một cường quốc.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam ngoài việc sẽ chịu sự cạnh tranh khi chúng ta đang đàm phán rất nhiều hiệp định tự do hóa thương mại, còn có thể sẽ đối mặt với những nguy cơ khác.
"Vấn đề giống tôm đang vô cùng gay go. Mỗi năm chúng ta XK tôm tới 3,5 tỉ USD, nhưng toàn bộ tôm bố mẹ chúng ta đều đang phải đi NK từ chính các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... Nước nào nuôi tôm hiện nay cũng đều đã được Chính phủ đầu tư cho chương trình SX tôm bố mẹ, chỉ có Chính phủ Việt Nam là chưa thấy. Chúng tôi cần một lời hứa của Bộ NN-PTNT và Chính phủ xem có hướng đầu tư SX tôm bố mẹ hay không, nếu không thì để các DN chúng tôi tự liên kết đầu tư làm, chứ không thể như thế này mãi". - Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng |
Rất tình cờ, tôi quen một nữ doanh nhân người Đức trên một chuyến bay, bất ngờ hơn khi cô ấy cho biết đang bay sang để gặp Bộ Nông nghiệp Việt Nam nhằm thuê đất SX cho một dự án nông nghiệp. Họ cho biết đang quản lí chương trình SX nông nghiệp đó tới 4 tỉ USD bằng nguồn tiền của Trung Quốc, và sở dĩ họ không thể SX ở Trung Quốc bởi môi trường ở đó đã quá ô nhiễm, không còn trồng cây được nữa.
Ở Bắc Kinh bây giờ ban ngày lúc nào cũng mờ mờ ảo ảo, chứ không thể trong lành như ở Hà Nội. Trung Quốc sau những năm phát triển nóng với tốc độ trên 10%/năm, đến nay họ đã phải trả giá cho vấn đề môi trường, và họ buộc phải chững lại. Tôi nghĩ chiến lược của họ có thể sẽ buộc phải chuyển nông nghiệp ra nước ngoài, và đích nhắm sẽ là các nước Đông Nam á, đầu tiên sẽ là láng giềng Việt Nam.
Xét ở mặt cơ hội, Trung Quốc cùng với Ấn Độ, mỗi khi bộ phận dân chúng của họ thoát qua ngưỡng nghèo, họ tiếp cận với thịt, sữa, đường... thì nhu cầu cần thực phẩm là cơ hội vô cùng lớn, không biết bao nhiêu nước làm nông nghiệp như Việt Nam mới có thể đáp ứng đủ cho họ.
Chăn nuôi tố “tứ khổ”
(Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội)
HTX chăn nuôi chúng tôi với gần 500 trang trại đang sống dở chết dở mà không biết sẽ xoay xở thế nào. Sau 2 năm đổ nợ liên tiếp (2012-2013) vì thua lỗ, khoản vay ngân hàng với lãi suất tới 15-18% hiện vẫn còn gá lại. Trong khi đó để vay mới tái đàn, chúng tôi không thể nào thế chấp.
Mỗi trang trại đầu tư hàng chục tỉ đồng, nhưng lại không được thế chấp bằng chính tài sản ấy mà ngân hàng họ yêu cầu phải là sổ đỏ. Trong khi đó, đất trang trại chúng tôi đi thuê thì làm sao có sổ đỏ bây giờ?
Thứ hai, liên quan tới việc thuê đất, 95% chủ trang trại, tương đương khoảng 300 hộ dân chúng tôi hiện phải tự đi thuê đất với giá cắt cổ của các đơn vị quốc phòng trên địa bàn.
Thế nhưng năm ngoái, khi mà các trang trại vừa mới được xây xong hạ tầng, tốn kém hàng trăm tỉ đồng thì Bộ Quốc phòng yêu cầu dỡ bỏ vì cho rằng cơ sở cho thuê đất thiếu thẩm quyền, đẩy hàng trăm hộ dân chúng tôi nằm trên đống lửa vì vỡ nợ. Đất đai là của nhà nước, của cả xã hội, làm gì thì cũng là phục vụ cho người dân và cho cả xã hội nữa, sao lại làm khó như vậy?
Thứ ba về môi trường, tôi khẳng định bản thân người chăn nuôi không thể nào tự đầu tư để đạt tiêu chuẩn nước thải loại A hay loại B gì đó theo như yêu cầu của Bộ TN-MT hiện nay được. Thế nhưng bây giờ cảnh sát môi trường (CSMT) cứ hễ xuống kiểm tra nước thải không đạt là họ xử phạt không nương tay. Vô lí là họ cũng chẳng nói được làm cách nào để chúng tôi có thể xử lí được nước thải theo yêu cầu của họ.
Mới đây, có một dự án của chính một đơn vị của Bộ TN-MT giúp chúng tôi xây dựng công trình xử lí nước thải. Công trình này vừa mới làm xong đưa vào vận hành thì y như rằng, CSMT lại về kiểm tra, kết quả là cũng không đạt tiêu chuẩn nước thải nên công trình hiện đang phải đắp chiếu. Vô lí hết chỗ nói!
Cuối cùng, người chăn nuôi nông hộ chúng tôi đang phải gánh mức thuế VAT 5% trong TĂCN, trong khi các tập đoàn nước ngoài lại ung dung được miễn loại thuế này. Chúng tôi đã tính toán, cùng một con lợn, cùng một thị trường thì khi xuất chuồng, người chăn nuôi nông hộ đã chịu thiệt khoảng 150 – 200 nghìn đồng so với các DN nước ngoài.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của DN, tăng cường hợp tác đầu tư tư nhân và hợp tác công – tư, tuy nhiên đầu tư của các DN tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn thấp, đầu tư của các DN FDI cũng mới chỉ chiếm khoảng 3,4% trong tổng đầu tư nước ngoài. Năm 2013, chỉ có khoảng hơn 1.000 DN trong lĩnh vực nông nghiệp thành lập mới, giảm 14% so với năm trước đó và có tới 1.300 DN trong lĩnh vực nông nghiệp ngừng hoạt động. Mặc dù vậy, với nỗ lực của các DN, 9 tháng đầu năm 2014, XK nông lâm, thủy sản của ta vẫn đạt 22,7 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và có thể cán mốc 3 tỉ USD trong cả năm nay. Nỗ lực này đã giúp tăng trưởng chung toàn ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2014 tăng 3% (so với 2,4% cùng kỳ năm 2013). Đây là một tín hiệu tích cực. Qua Diễn đàn này, Bộ NN-PTNT được lắng nghe về nhiều khó khăn, vướng mắc của các DN và sẽ nghiêm túc tháo gỡ kịp thời nhất những khó khăn, vướng mắc, nhất là những chính sách, thủ tục hành chính, kịp thời chỉnh đốn cung cách làm việc của các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT cũng như cơ quan quản lí DN nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút thêm nhiều hơn nữa các DN thuộc các thành phần khác nhau đầu tư nông nghiệp. |