Trao cơ hội làm ăn cho nông dân
- Thứ ba - 15/03/2016 00:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đào tạo gắn với thực tiễn
Với mục tiêu là nâng cao nhận thức, tay nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, Trường Trung cấp Nghề Thái Bình đã nỗ lực đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”… Trong các giờ học giảm phần lý thuyết và ưu tiên thời gian cho thực hành, thực tập gắn với các mô hình ngay tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đính - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo 6 nghề nông nghiệp và 2 nghề phi nông nghiệp bao gồm: Thú y; Chăn nuôi gia súc - gia cầm; Bảo vệ thực vật; Trồng rau; Làm vườn – cây cảnh; Nuôi trồng thủy sản nước ngọt; Vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp; Kinh doanh vật tư nông nghiệp. Nội dung chương trình giảng dạy được đổi mới theo hướng đảm bảo chính xác, đầy đủ ngắn gọn, dễ nhớ, kết hợp giữa kỹ năng thực hành với kinh nghiệm thực tiễn.
Từ đầu năm 2013, Nhà trường và Hội nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp triển khai đào tạo nghề cho LĐNT. Trong ba năm (2013 - 2015) đã tổ chức được 226 lớp với trên 7.700 học viên tại các huyện trong tỉnh. Đề án đã tạo ra sự chuyển biến tích cực đối với nông dân, trang bị cho người lao động kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh, có phương thức tổ chức sản xuất gắn với thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.
Tiếp tục đổi mới để phát triển
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, thạc sỹ Nguyễn Văn Lượng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nông nghiệp Thái Bình cho biết, do tính đặc thù của công tác đào tạo nghề cho nông dân và LĐNT nên việc tổ chức các khóa đào tạo phải linh hoạt cả về chương trình và hình thức, phương thức. Chương trình đào tạo phải gắn với học liệu sinh động, đa dạng và thiết thực, phù hợp với trình độ người học.
Ông Lượng cho biết thêm, sau khi được đào tạo nghề, người lao động chủ động tổ chức sản xuất thì chính quyền địa phương phải vào cuộc để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để LĐNT có nhận thức đúng đắn về học nghề, về vai trò,vị thế của người lao động trực tiếp trong phát triển kinh tế xã hội.
Cũng theo ông Lượng, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, những năm qua nhà trường đã có nhiều nỗ lực tăng cường đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo. Với 55 cán bộ, giảng viên, nhà trường hiện có khu giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, khu hành chính, các xưởng thực tập, thực hành. Nhà trường còn giành 50.000m2 cho trại thí nghiệm thực hành, xây dựng các mô hình canh tác lúa nước, cây màu, vườn cây cảnh, nhà lưới ươm cây, đồng cỏ phục vụ chăn nuôi, chuồng trại, ao nuôi trồng thuỷ sản, tạo điều kiện để học sinh thực hành, thực tập, rèn nghề.
Hiện trường đang hoàn thiện các thủ tục để được nâng cấp lên hệ cao đẳng. Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Lượng, đây là một xu thế quan trọng để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, nội dung, phương thức đào tạo cũng được đổi mới nhằm trang bị cho người nông dân tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, trang bị những kiến thức cơ bản về thị trường về cạnh tranh và hội nhập. Đây cũng là cơ hội lớn để từng bước xây dựng nên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thái Bình xứng tầm là địa chỉ tin cậy đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành nông nghiệp của tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hiện Trường Trung cấp nghề Nông nghiệp Thái Bình đang hoàn thiện các thủ tục để được nâng cấp lên hệ cao đẳng. Theo thạc sỹ Nguyễn Văn Lượng, đây là một xu thế quan trọng để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp của tỉnh. |