Trâu, bò cũng… cạnh tranh

Cả thế giới đang vận hành theo nền kinh tế thị trường. Không chỉ công nghiệp mà kể cả nông nghiệp, để tránh bị tụt hậu và vươn lên theo kịp thời đại, đòi hỏi phải hòa vào "dòng chảy” cơ chế thị trường.
Là nước nông nghiệp, không chỉ nhiều về lúa gạo, Việt Nam còn có tổng đàn gia súc và gia cầm vào tốp đứng đầu trong khu vực. Với cơ chế thị trường, nhiều về số lượng chưa hẳn đã là thế mạnh nếu chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu. Thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây xuất hiện hoạt động kinh doanh phù hợp cơ chế thị trường: nhập khẩu gia súc, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vừa tạo ra sự cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước. Số lượng trâu, bò (kể cả lợn) nhập khẩu vào Việt Nam đang không ngừng tăng lên. 
 
Việt Nam nhập khẩu trâu chủ yếu từ Úc và Ấn Độ, kể cả trâu sống cũng như trâu đã làm thịt. Về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, trâu nhập khẩu từ Úc cao hơn hẳn so với Ấn Độ. Thị trường nội địa có nhu cầu sử dụng thịt trâu nhập khẩu từ Úc với số lượng lên đến khoảng 5.000 con/tháng. Từ cuối 2013 đến nay, nhiều chuyến hàng nhập khẩu trâu từ Úc đã được thực hiện bằng phương thức buôn bán chính ngạch.
 
Nằm trong nhóm gia súc nhập khẩu từ Úc nhưng số lượng bò nhập khẩu cao vượt trội so với trâu. Đến hết tháng 5/2014, bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu bò từ Úc với số lượng lên đến 14.400 con. Dự kiến 2014 Việt Nam nhập khẩu khoảng 150 ngàn con bò từ Úc. Bò (cũng như trâu) nhập khẩu từ Úc dĩ nhiên không phải dùng làm sức kéo, cũng không phải để vắt sữa, mà chỉ để làm thịt phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. 
 
Năm 2014, tới thời điểm này Việt Nam nhập khẩu từ Úc bình quân mỗi tháng gần 2.500 tấn thịt trâu và thịt bò. Chăn nuôi trâu, bò vốn là nghề truyền thống của số đông bà con nông dân, với tổng đàn gia súc khá lớn, vậy mà hiện thời Việt Nam nằm trong tốp dẫn đầu nhập khẩu trâu, bò từ Úc.
 
Luật pháp Việt Nam cũng như quy định của WTO không cấm nhập khẩu trâu, bò (trừ trường hợp bị dịch bệnh, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm). Theo đó không thể dùng biện pháp hành chính ngăn cấm nhập khẩu trâu, bò, vấn đề đặt ra là làm thế nào nâng cao sức cạnh tranh của trâu, bò nội địa. Đành rằng nhập khẩu trâu, bò tạo thêm khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước nhưng bù lại có thêm môi trường cạnh tranh để ngành chăn nuôi phải vượt qua chính mình. Số lượng tổng đàn không ít nhưng gia súc (kể cả gia cầm) có sức cạnh tranh yếu về mặt chất lượng, đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia súc nhập khẩu (chủ yếu trâu và bò) từng bước gia tăng thị phần tại Việt Nam.
 
Có cầu thì sẽ có cung, đó là quy luật của kinh tế thị trường. Nếu nguồn cung trong nước yếu thế về sức cạnh tranh, nguồn cung từ bên ngoài có sức cạnh tranh cao hơn sẽ tràn vào là chuyện đương nhiên. Gia súc (kể cả một số gia cầm) đã và đang nhập khẩu vào thị trường Việt Nam là bởi nguyên nhân như vậy. Muốn hạn chế nhập khẩu gia súc (chứ không phải ngăn cấm) cách tốt nhất là phải nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi trong nước. Bà con nông dân không thể đứng ngoài cuộc, tuy nhiên nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi phải là nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp. Chỉ hô hào suông, thiếu giải pháp và không hỗ trợ đúng mức cho bà con nông dân, tình trạng đó còn kéo dài thì sản phẩm chăn nuôi chưa biết đến bao giờ đủ sức cạnh tranh với gia súc nhập khẩu.
 
Theo daidoanket.vn