Triển khai Nghị định 81/2018/NĐ-CP: 'Cả nhà' cùng vui!

Theo các chuyên gia thì Nghị định 81/2018/NĐ-CP khiến “cả nhà cùng vui”.

Theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP bắt đầu áp dụng từ ngày 15/7, các doanh nghiệp có quyền khuyến mãi, giảm giá đến 100% giá trị sản phẩm thay vì chỉ được khuyến mãi tới 50% như trước kia.

Thực tế cho thấy các hình thức khuyến mại có tác dụng tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt khi một doanh nghiệp mới kinh doanh, khách hàng chưa nhiều thì cần phải khuyến mãi để khách hàng biết đến thay vì quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn.

Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Mạnh Hà, chủ một cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc – Hà Nội  chia sẻ: “Hàng thời trang là một mặt hàng khá đặc thù theo mùa vụ nên khi sắp chuyển mùa chúng tôi thường mong muốn bán hết hàng tồn để thu hồi vốn bởi hàng thời trang có để lại thì sang năm cũng chưa chắc đã bán được bởi lỗi mốt mà lại chật kho, bảo quản khó… khuyến mãi là cách nhanh nhất để chúng tôi đẩy hàng tồn.

Thế nhưng với quy định cũ, chúng tôi chỉ có thể giảm tới 50%, điều đó khiến lượng sức cạnh tranh của các cửa hàng giảm đáng kể bởi với mức giảm như nhau giữa các cửa hàng thì khó thu hút thêm được nhiều khách.

Theo các chuyên gia thì Nghị định 81/2018/NĐ-CP khiến “cả nhà cùng vui”. Doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ việc mở rộng khuyến mãi. Doanh nghiệp có cơ hội chăm sóc khách hàng tốt hơn bởi các chương trình giảm giá sâu, kích cầu tiêu dùng, góp phần tăng trưởng sức mua, thu hút thêm khách hàng, đáp ứng chiến lược kinh doanh, bán hàng trong các thời điểm đặc biệt như lễ, Tết. Người tiêu dùng sẽ mua được sản phẩm với mức giá cực kỳ ưu đãi và có thêm nhiều lựa chọn hơn.

“Doanh nghiệp có thể khuyến mãi đến 100% nhưng nếu bán dưới giá vốn sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Quan trọng là cơ quan chức năng phải kiểm soát được giá đầu vào của đơn vị bán hàng và có chế tài đủ sức răn đe”, chuyên gia này cảnh báo.

Chị Nguyễn Minh Thảo (Hà Nội) - một khách hàng chia sẻ, khuyến mãi lớn đương nhiên là khách hàng “vui” rồi. Thế nhưng cái gốc của vấn đề vẫn phải là chất lượng hàng hóa. Doanh nghiệp không nên lợi dụng khuyến mãi “sốc” để đẩy những lô hàng kém chất lượng, hàng cận date ra thị trường bởi như thế sẽ khiến người tiêu dùng nghi ngờ “hàng chất lượng kém mới khuyến mãi khủng”. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần phải quản lý chặt các chương trình khuyến mãi lớn này để tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”. Những doanh nghiệp có tiềm năng về tài chính, công nghệ liên tục tung ra khuyến mãi khủng sẽ “ép chết” các doanh nghiệp nhỏ cùng mảng thị phần có vốn ít hơn, không đủ tiềm lực tài chính để chạy theo các chương trình khuyễn mãi lớn, liên tục của doanh nghiệp lớn. 

Quả thực, Nghị định 81/2018/NĐ-CP đã cởi trói khá nhiều cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để những doanh nghiệp nhỏ mới thành lập có những chương trình khuyến mãi “đột phá” để quảng bá xây dựng thương hiệu của mình thông qua các chương trình khuyến mãi lớn. Song nó cũng chính “vũ khí” để các doanh nghiệp lớn triệt hạ các đối thủ nhỏ độc chiếm thị phần. Công cụ quảng bá hay vũ khí tiêu diệt đối thủ còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức quản lý, điều tiết các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp.

Nhưng có một điều chắc chắn là người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi từ những chương trình khuyến mãi này và doanh nghiệp không thể mãi “khuyến mãi” khủng được khi mà chất lượng hàng hóa không đồng hành cùng các chương trình khuyến mãi. Chỉ khi chất lượng hàng hóa được đảm bảo thì khuyến mãi mới trở thành đôi cánh để đưa doanh nghiệp tới với người tiêu dùng một cách nhanh chóng được.