Trồng cây đặc sản theo quy trình VietGAP, cả làng ấm no

Trồng cây đặc sản theo quy trình VietGAP, cả làng ấm no
Từ khi tiếp cận công nghệ sản xuất và chế biến chè theo quy trình VietGAP, nhiều hộ gia đình ở làng nghề chè Chũng Na, xã Bá Xuyên, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc sống khấm khá và thu nhập kinh tế ổn định hơn trước.

Chúng tôi đến làng nghề chè Chũng Na (xã Bá Xuyên, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) vào một buổi chiều đầu tháng 4, hình ảnh những đồi chè bạt ngàn, xanh mướt như níu bước chân chúng tôi ở lại.

 trong cay dac san theo quy trinh vietgap, ca lang am no hinh anh 1

Những đồi chè bạt ngàn xanh mướt ở làng nghề chè Chũng Na được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Đến đây, PV Dân Việt có dịp trò chuyện với chị Trần Thị Hồng – Tổ trưởng tổ sản xuất chè theo mô hình VietGAP, người tiên phong trong việc áp dụng mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở làng nghề chè Chũng Na. Chị Hồng chia sẻ: "Trước đây các hộ dân vẫn quen với việc sản xuất và chế biến chè theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả và năng suất không cao. Nhưng từ khi tiếp cận được với quy trình mới này, đã có nhiều hộ áp dụng thành công và mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời với công nghệ mới cũng đảm bảo chất lượng chè được nâng lên và an toàn tuyệt đối về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm khi bán ra thị trường."

 trong cay dac san theo quy trinh vietgap, ca lang am no hinh anh 2

Chị Hồng đang thực hiện công đoạn lấy hương cho chè.

Được biết, việc sản xuất chè theo mô hình VietGAP được các hộ dân nơi đây áp dụng bắt đầu từ năm 2016 do Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên tập huấn công nghệ. Điểm đặc biệt của mô hình này là phải thực hiện theo đúng quy trình, đủ thời gian cách ly giữa những lần bón phân và thu hoạch chè. Một điều lưu ý là phân bón cho cây chè phải là phân hữu cơ, như vậy năng suất chè sẽ tăng lên từ 15-20kg chè tươi/sào. 

 trong cay dac san theo quy trinh vietgap, ca lang am no hinh anh 3

Chế phẩm sinh học đang được các hộ dân ở làng nghề chè Chũng Na sử dụng, phục vụ cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây chè.

Qua tâm sự, chị Hồng cho biết thêm, từ khi áp dụng mô hình chè VietGAP này, trung bình thu nhập của gia đình chị luôn ở mức ổn định từ 60 – 70 triệu đồng mỗi năm. Đấy là chưa kể việc làm chè không mất quá nhiều thời gian mà vẫn có thể tranh thủ làm thêm những công việc khác. Thông thường mỗi tháng chỉ cần bỏ ra 10 ngày cho việc thu hoạch và chế biến chè. Hiện nay gia đình chị Hồng đang trồng 1 mẫu chè với 7 lứa thu hoạch/năm. 

Để có được một mẻ chè ngon, ngoài việc chăm sóc, sản xuất cây chè theo đúng quy trình, thì việc lựa chọn thời điểm để hái chè cũng rất quan trọng. Nếu hái chè trong thời tiết mưa hay buổi sáng sớm, khi búp chè còn ướt thì khi rang lên chè sẽ có màu đỏ không được đẹp mắt và không ngon.

 trong cay dac san theo quy trinh vietgap, ca lang am no hinh anh 4

Mẻ chè thơm ngon vừa ra lò sau khi đã được sao, làm sạch và lấy hương.

Hiện nay, chè của gia đình chị Hồng và các gia đình ở làng nghề chè Chũng Na chủ yếu phục vụ địa bàn Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… với giá bán khoảng 150.000 – 170.000 đồng/kg, thậm chí 250.000 – 300.000 đồng/kg vào dịp Tết. 

Cũng theo chị Hồng, chè ở Chũng Na không cần quảng bá nhiều, người mua chủ yếu là khách quen nên chè sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Từ sản xuất chè theo hướng VietGAP, nhiều hộ gia đình ở đây đã vươn lên làm giàu, đời sống trở nên khấm khá hơn trước. Cây chè giờ đây không còn là cây trồng đơn thuần mà trở thành cây chủ lực giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo. Nghề làm chè cũng trở thành nghề chính trong phát triển kinh tế, không còn là một ngành nghề phụ. 

Đến thời điểm hiện tại đã có 24/40 hộ gia đình sản xuất chè theo quy trình VietGAP mang lại hiệu quả cao.

Hà Thanh/http://danviet.vn
X
em bài viết gốc tại đây!