Trồng cỏ cao sản nuôi bò

Trồng cỏ cao sản nuôi bò
Chuyển đổi đất trồng màu sang trồng cỏ quy mô lớn để nuôi bò thâm canh cho hiệu quả gấp 4 - 5 lần.

 

 

Đây là bước đột phá mạnh mẽ trong tái cơ cấu SXNN ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Câu lạc bộ trồng cỏ

Cam Lộ là huyện có điều kiện thuận lợi về tự nhiên, xã hội để phát triển chăn nuôi bò thâm canh theo hướng SX hàng hóa lớn, chất lượng cao, đó là con giống, đất trồng cỏ có sẵn và chất đất rất tốt.

Nông dân Nguyễn Văn Bình ở làng An Mỹ, xã Cam Tuyền nuôi 2 con bò thuộc giống bò vàng Việt Nam. Nuôi đúng 1 năm bán được 30 triệu đ/con. Trừ chi phí ban đầu mua giống 20 triệu đ/con, anh Bình lời 10 triệu đ/con/năm.

Nhưng với bò lai thì ông Nguyễn Khánh ở thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền đã trồng 3 sào cỏ để làm thức ăn nuôi 2 con. Tiền mua mỗi bò giống từ 15 - 20 triệu đồng, sau 1 năm ông Khánh bán, thu lãi mỗi con đến 20 triệu.

Ông Đoàn Ánh Phước, Trưởng thôn Bắc Bình cho biết, Trường ĐH Nông lâm Huế phối hợp với Phòng NN-PTNT Cam Lộ tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và đầu tư cho nông dân trồng cỏ cao sản, hỗ trợ 50% lượng thức ăn tinh cho hộ nuôi bò vỗ béo và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc bò.

Trong tổng số gần 100 hộ dân của thôn Bắc Bình có đến 70 hộ tham gia mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh với tổng số 240 con, hộ nuôi nhiều nhất là 8 con. Hiện tại xã Cam Tuyền có rất nhiều người thoát nghèo nhờ nuôi bò theo kiểu này.

Việc làm này phù hợp với Nghị quyết của Đảng bộ Huyện ủy Cam Lộ về cải tạo phát triển chăn nuôi bò với mục tiêu tập trung cải tạo nâng cao thể trọng đàn bò, nâng cao giá trị thu nhập cho người chăn nuôi, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành SX chính trong nông nghiệp, tiến đến chăn nuôi quy mô tập trung, công nghiệp hoá. Đến năm 2020, tổng đàn bò của huyện cơ bản là bò lai có từ 75% máu ngoại trở lên.

Theo đó, mô hình trồng cỏ cao sản đã giải quyết căn bản nhu cầu thức ăn thô xanh cho bò, là giải pháp quan trọng để chuyển hướng chăn nuôi bò từ quảng canh sang thâm canh. Trong điều kiện tự nhiên ở Cam Lộ, các giống cỏ cao sản VA06, TD58, Mulato II... cho năng suất cao, từ 15 - 30 tấn ha/năm.

Đột phá mạnh mẽ

Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, ông Hoàng Liên Sơn cho biết, xã đã thành lập các CLB và xây dựng cánh đồng cỏ mẫu lớn để chăn nuôi bò thâm canh. Để làm được điều này bà con đã chuyển đổi đất trồng màu truyền thống sang trồng cỏ tập trung quy mô lớn, áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật mới trồng các giống cỏ mới với diện tích lớn.

Cùng với đó là áp dụng quy trình chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo bò thâm canh cao, lên men thức ăn từ cây ngô, ngọn sắn làm thức ăn dự trữ cho bò. Nhờ vậy từ 1,5 ha đồng cỏ ban đầu, chỉ sau 1 năm các hộ đã mở rộng lên 5,5 ha phục vụ chăn nuôi. Ước tính việc chuyển đổi đất màu sang trồng cỏ nuôi bò có thể giúp người nông dân thu lãi đến 200 triệu đ/ha/năm. Mô hình này có hiệu quả gấp 4 - 5 lần so với truyền thống.

Ông Võ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho rằng, quyết định chuyển đổi đất trồng màu sang trồng cỏ quy mô lớn nuôi bò thâm canh là bước đột phá mạnh mẽ trong tái cơ cấu SXNN ở Cam Lộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Khảo nghiệm quy trình sử dụng cỏ trồng kết hợp với thức ăn tinh để nuôi bò thâm canh do chính bà con ở CLB của Cam Lộ thực hiện đã cho tăng trọng bình quân 766 gr/ngày với bò nội và 990 gr/ngày với bò lai. Hiệu quả kinh tế mang lại người nuôi bò có thu nhập 1,8 - 2,4 triệu đ/con/tháng.

Hiện tại đàn đại gia súc của huyện Cam Lộ có gần 8.000 con, tăng so với cùng kỳ năm trước 953 con, trong đó bò gần 5.600 con. Chất lượng đàn bò tăng lên đáng kể, số lượng bò lai Sind hiện có gần 3.000 con, chiếm hơn một nửa tổng đàn. Tuy nhiên, chỉ một phần bò trong số trên được bà con trồng cỏ nuôi thâm canh.

Vì vậy, theo ông Võ Văn Hưng, muốn chuyển phần lớn sang nuôi bò thâm canh thì các xã cần phải tổ chức lại SX dưới hình thức CLB chăn nuôi, trồng cỏ cao sản tập trung trên cánh đồng lớn, cải tiến nuôi bò sinh sản và vỗ béo thâm canh thì hiệu quả mang lại là rất lớn. Hiện tại, mô hình trồng cỏ và nuôi bò thâm canh được nhiều địa phương ở Cam Lộ hưởng ứng tích cực. Huyện đang tập trung chuyển đổi trên 15 ha đất màu trên địa bàn 5 xã sang trồng cỏ nuôi bò.

Ông Nguyễn Công Phán, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ nhận định mô hình trên rất hiệu quả và phù hợp với điều kiện ở Cam Lộ. Vì vậy, huyện quyết định nhân rộng mô hình này đến nhiều xã trên địa bàn. Trước mắt, sẽ thành lập thêm các CLB chăn nuôi bò, hỗ trợ kinh phí đào tạo tập huấn và tăng cường chỉ đạo chuyển đổi đất màu sang trồng cỏ nuôi bò ở các xã Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Thanh, Cam An.

Theo NNVN