Trồng đinh lăng xen cao su - dễ làm, thu nhập khá

Không tốn nhiều công chăm sóc lại được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm... nên mô hình trồng xen cây đinh lăng đang hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nông dân ở Tây Ninh.

6 tháng lại có thu hoạch

Đinh lăng không phải là loại cây xa lạ nhưng khai thác hiệu quả cây dược liệu này trên quy mô lớn lại chưa được bà con ở Tây Ninh chú ý nhiều. Giá mủ cao su gần đây tuy có nhích lên nhưng vẫn chưa xóa hết nỗi lo giá mặt hàng này sẽ tiếp tục thất thường. Trong bối cảnh đó, trồng xen cây đinh lăng giữa vườn cao su là mô hình mới mà tỉnh này đang triển khai bước đầu đã cho những tín hiệu khả quan.

 trong dinh lang xen cao su - de lam, thu nhap kha hinh anh 1

Ông Thơi chăm sóc vườn đinh lăng. Ảnh: N.V

Ông  Phan Văn Ngươn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dương Minh CHâu đánh giá đây là mô hình hay nên đã tạo điều kiện tổ chức để bà con được tiếp cận. Theo ông Ngươn, đây là mô hình  mới, nhiều người còn bỡ ngỡ. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, nếu hiệu quả tốt sẽ triển khai để bà con nhân rộng mô hình.

 

 

Ông Nguyễn Văn Thơi (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) cho biết, lúc đầu cũng khá e dè với mô hình trồng xen đinh lăng trong vườn cao su. Đây là mô hình được Công ty Nông nghiệp Thiên Đường (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật. Cùng với sự động viên của chính quyền, ông Thơi mạnh dạn đầu tư trồng đinh lăng trong khu vườn cao su hơn 2.000m2.

Đến nay, vườn đinh lăng của ông với 2.300 gốc đã được 8 tháng tuổi. Ông Tiến cho hay, theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, 1.000m2 vườn cao su có thể trồng 3.000 gốc đinh lăng (thuật ngữ chuyên môn gọi là trồng quy đông đặc - PV). Giữa 2 hàng cao su (cách nhau 5m), ông Thơi trồng 2 luống, mỗi luống lại có 2 hàng cây đinh lăng. Luống trồng đinh lăng cách hàng cây cao su 1m. Ở mỗi luống, mỗi cây đinh lăng trồng so le cách nhau 40cm.

Cây đinh lăng ưa bóng râm, chịu ẩm nhưng lại không chịu được ngập nên phải vun luống cho cao. Lúc mới trồng nên trải bạt nhựa để đất không trồi sụt làm ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây giống.

Theo tính toán của công ty cung ứng giống và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hoàn tất một vòng đời 3 năm của cây đinh lăng, nông dân có thể thu 367,2 triệu đồng/1.000m2. Trong vòng 36 tháng này, cứ mỗi 6 tháng nông dân có thể thu hoạch 600kg lá tươi và 1.500kg thân, rễ tươi. Tức là bình quân 1 gốc cho 0,2kg lá (đơn giá 2.000 đồng/kg) và 0,5kg thân, rễ (20.000 đồng/kg).

Đa dạng mô hình trồng xen

Ông Thơi kể, cách đây 2 tháng có thu hoạch thử một đợt thì mỗi gốc được 0,5kg lá tươi, chứng tỏ cây đang sinh trưởng tốt. Ông bảo, nông dân nghèo và ít đất, cứ trồng chừng vài công đinh lăng rồi đi làm mướn nghề khác cũng “vô tư”, vì kỹ thuật chăm sóc đinh lăng không quá phức tạp. Nếu trồng và chăm sóc đầy đủ, thu nhập từ đinh lăng được vài chục triệu đồng/năm đối với nông dân là không nhỏ, nhất là khi giá cao su còn nhiều biến động.

Ông Trần Hoài Việt - Giám đốc Công ty Nông nghiệp Thiên Đường cho biết việc mở rộng diện tích cây đinh lăng nằm trong dự án phát triển vùng cây dược liệu, đang triển khai tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Long An.

Theo ông Việt, đinh lăng có thể trồng với nhiều mô hình khác nhau. Nếu thâm canh ngoài trời có thể dùng lưới che nắng bên trên hoặc xen canh với các loại cây khác để tạo bóng râm. Ngoài cao su, ở các địa phương khác, đinh lăng còn được trồng xen với các loại cây ăn trái, cây họ đậu ngắn ngày hoặc với cà gai leo.

Để tận dụng 100% diện tích trồng xen, dưới rãnh giữa 2 luống đinh lăng, người dân có thể trồng thêm rau vừa làm thực phẩm lại vừa hạn chế cỏ dại. Công ty đã phát triển các trại giống để cung cấp cây giống cho nông dân. Việc mở rộng diện tích trồng xen đinh lăng còn tạo việc làm cho nông dân tranh thủ thời gian nông nhàn...

Theo Dân Việt