Trồng nho có sổ ghi chép, nông dân Ninh Thuận thu lợi hơn 1,5 lần

Trồng nho có sổ ghi chép, nông dân Ninh Thuận thu lợi hơn 1,5 lần
Cây nho “bén duyên” trên vùng đất Phước Sơn, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) từ nhiều năm nay, với diện tích khoảng 40 ha. Để nâng cao giá trị của cây nho, các hộ trồng đã cùng nhau liên kết trồng nho sạch.

Việc liên kết trồng nho sạch giữa các hộ nông dân xã Phước Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm thay đổi cách trồng, chăm sóc, hướng đến nâng cao năng suất và giá trị của cây nho, tháng 4-2014, được sự hỗ trợ của chính quyền xã, 49 hộ dân ở địa phương đã liên kết thành lập 3 tổ trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 10 ha. Ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng nhóm trồng nho “sạch” thôn Ninh Quý 2, cho biết: Để cây nho phát triển tốt và cho năng suất cao, các hộ trong nhóm trực tiếp trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong khâu chọn giống. Đồng thời, thực hiện việc ghi chép cụ thể cho từng thời điểm phát triển của cây nho như: Bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý… đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi bán ra thị trường.

Việc thực hiện quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ mang lại quả kinh tế cao, tiết kiệm được chi phí sản xuất, mà còn tạo ra sản phẩm “sạch”, năng suất cũng tăng lên đáng kể. Anh Trần Văn Dần, hộ dân tham gia mô hình chia sẻ: Đây là năm thứ ba gia đình tôi áp dụng trồng nho theo mô hình VietGAP với giống nho xanh NH01-48 trên diện tích 1,5 sào, năng suất bình quân đạt 2 tấn/sào, cao hơn 1,2 lần so với cách trồng truyền thống trước đây. Với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 60 triệu đồng/vụ. Ngoài anh Dần, trên địa bàn xã Phước Sơn còn có nhiều hộ trồng nho theo mô hình liên kết cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Lê Đức Danh, Mai Xuân Tuấn…

Hiệu quả mang lại từ việc liên kết trồng nho theo mô hình VietGAP thì đã rõ. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất cho thấy, khó khăn mà các hộ tham gia mô hình đang gặp đó là sản phẩm nho sau khi thu hoạch chưa có đầu mối tiêu thụ, mà chủ yếu thông qua thương lái thu mua với giá bán ngang bằng với giá nho trồng theo kiểu truyền thống, nên ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, lợi nhuận của các hộ trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Dương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Sơn, cho biết: Việc liên kết trong sản xuất nho được nông dân áp dụng rất nghiêm ngặt ở tất cả các khâu, từ làm đất đến khi thu hoạch, sản phẩm nho khi đưa ra thị trường đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đây là hình thức hợp tác có hiệu quả góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho những hộ tham gia. Thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này; đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành tìm hướng kết nối với doanh nghiệp thiết lập mối quan hệ làm ăn bền vững, tạo đầu ra ổn định, hướng tới mục tiêu tăng thu nhập cho người trồng nho trên địa bàn.

 
Theo Đăng Khôi (Báo Ninh Thuận)