Trồng rau không dùng đất nhưng 8X vẫn thu hàng trăm kg rau quả trên sân thượng

Trồng rau không dùng đất nhưng 8X vẫn thu hàng trăm kg rau quả trên sân thượng
Vụ mùa vừa rồi, Bùi Thương thu hoạch tới 110 kg từ hai gốc bí được trồng trên sân thượng.

Kể từ khi gây dựng được khu vườn sân thượng, vợ chồng Thương không phải ra chợ mua rau. Thậm chí, chị còn có rau sạch để biếu mọi người.
Kể từ khi gây dựng được khu vườn sân thượng, vợ chồng Thương không phải ra chợ mua rau. Thậm chí, chị còn có rau sạch để biếu mọi người.

Bùi Thương (sống tại TP HCM) là một trong những thành viên nổi bật trên các mạng xã hội dành cho người yêu thích trồng trọt, làm vườn. Sau hơn 2 năm bắt tay vào xây dựng khu vườn trên sân thượng, Bùi Thương và ông xã đã tự tìm ra bí quyết riêng để có những vụ mùa bội thu. Điều đặc biệt hơn cả trong kỹ thuật trồng của Thương là: Không sử dụng đất. Thay vào đó, cô dùng giá thể trộn từ phân bò, trấu tươi, mùn dừa, nấm trichoderma...

"Do ban đầu không có kinh nghiệm nên tôi cứ nghĩ đơn giản mua đất, phân ở ngoài về trồng. Có đợt mua 50 bao đất một lần rồi trồng được vụ đầu, qua vụ thứ 2 cây không lên èo uột, tôi phải thay đất mới và đổ đất cũ đi, dẫn đến nản và tôi đã bỏ cuộc với việc nông dân sân thượng trong 3 tháng. Chồng tôi lên mạng học hỏi các anh chị trồng rau trước và chỉ lại cho tôi từng bước cách làm giá thể, phân và một khu vườn phủ xanh từ đó", Bùi Thương chia sẻ về "bài học nhớ đời" khi chị trồng rau bằng đất bình thường và quyết định chuyển sang sử dụng giá thể.

Công thức làm giá thể trồng rau và cách cải tạo "đất" được Bùi Thương chia sẻ trong bài viết dưới đây:

1. Cách làm giá thể trồng rau:

Giá thể trồng rau bao gồm các thành phần chính là phân bò, trấu hun, sơ dừa, bánh dầu...
Giá thể trồng rau bao gồm các thành phần chính là phân bò, trấu hun, sơ dừa, bánh dầu...

- Nguyên liệu: Phân bò, trấu tươi, sơ dừa, nấm Trichoderma, vôi bột nông nghiệp, bánh dầu

- Cách ủ phân bò:

Bánh dầu nên chọn loại bánh dầu đậu phộng xay nhuyễn (Nếu là bánh dầu miếng thì ngâm trong nước một giờ cho mềm rồi đập nát).

Phân bò khô khoảng 10 kg được xịt nước ẩm để vài giờ rồi đập mịn. Nếu phân bò không đập thì ủ 15 ngày cho mềm và đổ ra bóp tơi, rồi ủ lại.

Lấy khoảng 4 muỗng canh nấm Trichoderma pha với 7l nước để tưới đều lên phân bò, bỏ bánh dầu vào trộn đều. Kiểm tra phân bò vừa đủ ẩm là được.

Đổ phân bò ủ trong thùng xốp hoặc thùng nhựa có nắp đậy vừa đủ lọt không khí vào để vi sinh phát triển (Không để nước mưa rơi vào sẽ gây mùi và giòi xuất hiện). Từ ngày thứ 3, thùng ủ nóng lên dần. Đến ngày thứ 15, nấm trắng là vi sinh đang phát triển xuất hiện và nhiệt độ nóng khoảng 50- 60°C. Khi ủ như vậy, ấu trùng + trứng ấu trùng, hạt cỏ trong phân sẽ bị tiêu diệt.

Nếu không thấy có 2 trường hợp trên là không thành công. Phân bò cần được trộn đều trong thùng và đậy nắp ủ đến ngày thứ 30, nếu trong thùng hết nóng, là dùng được (Thời gian ủ từ 1-6 tháng).

- Cách xử lý trấu:

Trấu nếu có thời gian và điều kiện nên mua trấu tươi về hun (trấu mua hun sẵn ngoài cửa hàng là tro trấu, trấu này có thể người ta đốt lò nên có chứa muối không tốt cho cây). Không nên dùng trấu tươi vì có mầm bệnh, nấm, còn sót hạt lúa sẽ mọc cây con. Nếu không hun thì đổ trấu vào thùng ngâm nước trong 10 ngày. Sau đó, ủ trấu với trichoderma cho chết mầm bệnh.

- Cách xử lý xơ dừa:

Sơ dừa khoảng 10 kg xả nước, sau đó ngâm với nước pha 0,5 kg vôi bột nông nghiệp khoảng một ngày rồi mang ra xả lại với nước. Khâu tiếp theo là vắt khô xơ dừa để dùng. Cách khác có thể mở miệng bao sơ dừa để ngoài trời mưa khoảng một tháng nhưng cách đầu tiên sẽ tốt hơn. Nếu không được xử lý, sơ dừa còn chất chát sẽ làm quéo rễ, cây không phát triển mà chết từ từ.

- Tỷ lệ trộn giá thể: Phân bò hoai 50% (dinh dưỡng), trấu hun 30% (làm xốp giá thể), sơ dừa 20% (giữ độ ẩm).

Phân bò đã ủ, trấu, sơ dừa trộn lại là thành "đất" trồng rau sẽ có dinh dưỡng cao, rẻ hơn đất mua, giảm tải trọng lượng.​ Lượng giá thể để trồng rau ăn lá chỉ 5-7cm, cây ăn trái leo giàn 10-12cm (Chậu cho bầu, bí mướp từ 150l là phù hợp). Trong quá trình trồng, tưới phân cá hoặc bánh dầu hoặc nước ủ rau rác.

Giàn bầu sai trĩu trên sân thượng.
Giàn bầu sai trĩu trên sân thượng.

2. Cách cải tạo giá thể sau khi thu hoạch

- Nếu sau khi thu hoạch giá thể không bị nhiễm bệnh thì chỉ cần nhặt sạch phần rễ cây trong đó, làm tơi giá thể, rắc vôi bột và phơi khô vài ngày. Sau đó, bổ sung thêm ít phân bò (phân gà), bánh dầu... và để trong 3 ngày mới gieo hạt hoặc cấy cây con.

- Nếu giá thể có mầm bệnh thì phải phơi khô và ủ trong một tháng.

Để tăng thêm lượng dinh dưỡng cho giá thể, bạn có thể lấy sẵn lá cây cắt tỉa trong vườn. Còn không lấy phần rau bỏ đi, cắt nhỏ để bón cho giá thể.

Cách ủ giá thể: Sau khi phơi khô, đổ giá thể vào thùng xốp hoặc thùng nhựa cao khoảng 10 cm, lấy nấm Trichoderma pha với nước tưới hơi ẩm rồi trộn đều. Rau rác cắt nhỏ cho vào khoảng 3 cm rắc nấm. Cứ như vậy cho đến khi thùng đầy và ủ đến ngày thứ 10 thì kiểm tra nhiệt độ nóng, nấm trắng tương tự như cách ủ phân bò. Giá thể ủ đến ngày 30 có thể đem ra trồng. Nếu ủ bằng rau thì không cần trộn thêm phân bò.


Nguồn tin: giadinh.net.vn