Trồng rau sạch bằng công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả cao
- Thứ năm - 26/10/2017 10:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xây dựng nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững và đưa nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng là vấn đề luôn được quan tâm trong đời sống hàng ngày. Tại tỉnh Quảng Trị, chính quyền và người dân đang tích cực chuyển dịch cơ cấu và phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, tạo ra nguồn nông sản sạch, an toàn.
Khác với phương pháp canh tác tự nhiên, vườn dưa ứng dụng công nghệ cao của anh Lê Văn Vượng, 23 tuổi, ở Hợp tác xã Trường Sơn, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất đến kỹ thuật bón phân, nước tưới...
Cây được trồng trong nhà kính rộng hơn 2.000 m2 và hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Anh Vượng cho biết, vườn cây được đầu tư với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, trồng dưa lưới và dưa hấu với tỉ lệ đậu quả trên 70%, sản lượng ước tính gần 5 tấn, mỗi vụ thu về hơn 150 triệu đồng.
“So với phương pháp truyền thống, cây trồng trong nhà lưới phát triển rất tốt, hiệu quả phát triển nhanh hơn và quả to hơn. Trồng trong mô hình nhà lưới đảm bảo được nước và côn trùng phía ngoài không ảnh hưởng lên cây”, anh Vượng cho biết.
Huyện Vĩnh Linh hiện có 4 mô hình nhà kính trồng rau, củ, quả sạch. Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, canh tác trong nhà kính hạn chế những bất lợi từ thời tiết và sâu bệnh nhờ chủ động được độ ẩm trong đất, năng suất canh tác trong nhà kính tăng từ 30 - 50% so với canh tác truyền thống.
“Huyện định hướng mở rộng và phát triển các mô hình công nghệ cao để bà con chủ động trong sản xuất và có thể canh tác trái vụ. Khi người dân canh tác ở trong mô hình nhà kính sẽ hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, những hóa chất không cần thiết, từ đó cho ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng”, bà Kiều cho biết.
Trong nhà kính rộng hơn 2.000 m2 của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, mô hình trồng rau sạch bằng công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả cao. Tại đây, rau xà lách và dưa lưới trồng theo phương pháp thủy canh luân hồi với hệ thống phun tưới tự động.
Ông Nguyễn Thanh Tính, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang cho biết, việc trồng rau, dưa công nghệ cao phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu làm đất vào khay trồng, kỹ thuật bón phân cũng như nước tưới cho rau phải được tiệt trùng.
Khi mô hình này thành công, HTX sẽ nhân rộng mô hình, chuyển giao về từng hộ gia đình. Nếu được nên phát triển mô hình này ở những vùng ven biển, bãi ngang, nhưng nơi khó canh tác”, ông Tính nói.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang hợp tác với Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản để triển khai Dự án hỗ trợ tỉnh Quảng Trị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, các mô hình nông nghiệp công nghê cao bước đầu có hiệu quả.
Theo bà Phương, các thương hiệu nông sản sạch như: Gạo hữu cơ Quảng Trị, Gạo sạch Triệu Phong, dưa lưới Nguyên Khang…được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
“Vùng sản xuất theo hình nông nghiệp công nghệ cao phải được chứng nhận về điều kiện đất, điều kiện nước tưới và các điều kiện nhân lực đảm bảo trình độ. Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ đem lại cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng”, bà Phương cho biết.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị giao mỗi huyện, thị xã phải có 2 mô hình sản xuất nông ghiệp công nghệ cao. Việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất góp phần nâng cao đời sống người dân. Người nông dân sẽ có điều kiện làm giàu trên đồng đất của mình.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương tiếp tục xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
“Tỉnh Quảng Trị đã ban hành Đề án về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo thêm sinh kế cho người dân cũng như nâng cao giá trị gia tăng trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Một số mô hình trồng dứa, trồng rau củ quả của Công ty CP khoáng sản Quảng Trị tại các hợp tác xã đã triển khai bước đầu hình thành mô hình có hiệu quả”, ông Đồng cho biết./.