Trồng rau sạch theo quy trình BasicGAP: Dễ làm, lợi nhuận cao

Trồng rau sạch theo quy trình BasicGAP: Dễ làm, lợi nhuận cao
Bộ NNPTNT vừa ban hành quy trình sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn BasicGAP nhằm đơn giản hoá các thủ tục so với VietGAP để nông dân dễ thực hiện...

Trồng RAT theo quy trình BasicGAP tại địa bàn Hà Nam.

Giảm 39 tiêu chí

Bà Nguyễn Thị Vang – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam hiện có gần 7.000ha rau, năng suất 160 – 170 tạ/ha, nhưng diện tích sản xuất RAT của tỉnh chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Nhờ sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tỉnh đã triển khai Dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt của Việt Nam nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng”. Theo đó, 27 hộ dân ở HTX Hạ Vỹ tham gia dự án được tập huấn quy trình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn BasicGAP, từ lựa chọn phân bón, thuốc BVTV, cách sử dụng phù hợp cho từng giai đoạn sao cho hiệu quả và đảm bảo an toàn thực phẩm… Tổng cộng quy trình BasicGAP có 26 tiêu chí phải thực hiện, ít hơn rất nhiều so với quy trình VietGAP (65 tiêu chí), tức giảm tới 39 tiêu chí. “Căn cứ vào sổ ghi chép của người dân ở HTX Hạ Vỹ, hạch toán hiệu quả kinh tế trên 1 sào rau cho thấy sản xuất theo tiêu chuẩn BasicGAP có chi phí thấp hơn so với sản xuất rau truyền thống. Cụ thể, phân bón giảm được 6.000 đồng, thuốc BVTV giảm 20.000 đồng, công lao động giảm 80.000 đồng, giá thành sản xuất ra 1 cây bắp cải giảm gần 200 đồng... nên dù giá bán vẫn như rau bình thường, song lợi nhuận cao hơn 116.000 đồng/sào”- bà Vang cho biết.

Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt của Việt Nam nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng” do JICA tài trợ, được Bộ NNPTNT triển khai tại 6 tỉnh phía Bắc, trong đó có 3 tỉnh thí điểm là Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh; 3 tỉnh vệ tinh là Thái Bình, Hoà Bình, Hải Phòng. Dự án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, đặc biệt là nông dân và cán bộ hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm... Việc ứng dụng sản xuất RAT theo quy trình này sẽ được cấp chứng chỉ BasicGAP.

Hiệu quả kinh tế chưa cao

Theo ông Yamamoto Satoshi – cố vấn hình thành dự án cao cấp của JICA, điểm mới của BasicGAP là đơn giản các tiêu chí, đồng thời xác định rõ đâu là phần cán bộ quản lý thực hiện, đâu là phần nông dân phải làm, vì thế bà con cũng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm hơn. Ngoài ra, nông dân còn được tập huấn lựa chọn và sử dụng phân bón hợp lý; được tập huấn sử dụng thuốc trừ sâu “4 đúng”, góp phần tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm...

Tuy BasicGAP dễ thực hiện, song các địa phương vẫn gặp khó khăn do thiếu kinh phí cho xúc tiến quảng bá sản phẩm, trong khi sản phẩm sản xuất theo BasicGAP chưa có tem để gắn nhãn mác nên rất khó phân biệt với rau sản xuất theo cách truyền thống. “Lẽ ra, sản phẩm RAT phải có giá bán cao hơn, nhưng tiêu chí nhận diện an toàn còn kém như chưa có mã vạch, tem, không có dấu hiệu nhận diện nên giá bán rau cũng chỉ như rau bình thường” - ông Trần Xuân Định cho hay.

Cũng theo ông Định, hiện nay sản xuất theo VietGAP có tới 65 tiêu chí nên nông dân rất khó thực hiện, khó truy xuất nguồn gốc, vì vậy nhiều địa phương chỉ sản xuất RAT hướng tới VietGAP. Mặt khác, sản phẩm rau sản xuất theo VietGAP chủ yếu tiếp cận thị trường xuất khẩu, bỏ ngỏ thị trường trong nước, do đó JICA mới có cách tiếp cận đơn giản hơn là tiêu chuẩn BasicGAP, với điểm cốt lõi là đảm bảo an toàn thực phẩm.

   Ông Okiura Fumihiko - Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam khẳng định: “Sản xuất RAT theo tiêu chuẩn BasicGAP chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Nhật Bản, vì Nhật Bản còn đòi hỏi cao hơn cả VietGAP. Tuy nhiên, áp dụng BasicGAP là để bước đầu giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận, làm quen với sản xuất RAT, dần tiến tới các tiêu chuẩn cao hơn như VietGAP và các GAP quốc tế”.
Theo Danviet.vn