Trồng rau sạch thu tiền tỷ ở Tam Dương (Vĩnh Phúc)
- Thứ ba - 26/09/2017 23:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tới Thôn Lau, xã Hoàng Lâu - Tam Dương, từ xa chúng tôi đã thấy mô hình nhà kính của anh Phạm Văn Xuân, một người con của Tam Dương sau 18 năm đi làm ăn xa đã trở về quê đầu tư xây dựng nhà kính để trồng rau sạch.
Nhìn cơ ngơi 2.500m nhà kính, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi như sự “giới thiệu” của anh Xuân thì trước đây dưới nền khu nhà kính là đất đá, gạch vỡ, hầu như không thể trồng cấy được gì. Tuy nhiên, khi anh quyết định đầu tư xây dựng nhà kính, thì mọi thứ đều được hoá giải và kết quả những lứa rau, cây trồng được trồng theo mô hình rau sạch đã phát triển rất tốt.
Anh Xuân cho biết, tháng 3-2016 anh bắt tay vào đầu tư xây dựng khu nhà vườn, đến tháng 8-2016 thì hoàn thành xong 2 nhà kính rộng 2.500m², mỗi nhà 1.250m², toàn bộ khu nhà vườn tổng mức đầu tư lên tới gần 1,7 tỷ đồng. Khi hoàn thành xong nhà kính và hạ tầng để canh tác, anh bắt tay vào trồng rau và trồng hoa ly.
Mô hình trồng rau trong nhà kính của anh Phạm Văn Xuân. |
Theo phân tích của anh Xuân, thời tiết miền Bắc thất thường, nên việc lựa chọn các loại rau trồng nên tính đến mùa vụ, mình trồng trong nhà kính, mọi thứ theo quy trình rau sạch, nên trồng các loại rau trái vụ, cung cấp ra thị trường vừa được giá, bán lại dễ. Bán tại thị trường miền Bắc, cước vận chuyển sẽ giảm đi, được giá, khi đó lợi nhuận đem lại cũng rất lớn.
Chỉ tay vào từng luống rau, anh phân tích từng khâu một, từng loại rau cho chúng tôi thấy được lợi nhuận khủng ở đâu ra và như thế nào. Đơn cử, trồng rau xà lách, từ lúc trồng tới lúc thu hoạch mất khoảng 35-45 ngày, một khu nhà kính khoảng 1.250m² thu được 7-8 tấn, bán giá 30 nghìn đồng/kg sẽ thu về khoảng 240 triệu đồng. Trừ đi các loại chi phí, trong khoảng hơn 1 tháng đó người trồng rau vẫn thu lời được khoảng 100 triệu đồng.
Hay mùa này, trang trại nhà anh Xuân đang trồng giống ớt ngọt. Loại ớt này trồng 1-2 tháng là được thu hoạch, hết vòng đời khoảng 6-7 tháng, trong đó 5 tháng thu hoạch trái. Theo tính toán 1 cây ớt trong vòng đời cho từ 8-10kg quả, với khoảng 3.500 gốc, giá bán 30 nghìn/kg, trong vòng 7 tháng vườn ớt này cho thu nhập khoảng 840 triệu đồng.
Với cách tính này, nhiều người cho là không tưởng, nhưng trên thực tế, nhìn cách anh Xuân đầu tư nhà kính, mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư một cách tính toán theo thị trường thì với giá đó người nông dân hoàn toàn có lãi lớn. Với mức giá tính 30 nghìn đồng/kg là giá anh Xuân đang đổ buôn cho các đầu mối, giá thực tế tới người tiêu dùng còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Những năm tháng học tập và làm tại các nhà vườn trong Đà Lạt và sang các nước như Thái Lan, Israel học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã giúp anh Xuân thêm tự tin và quyết tâm về quê đầu tư. Khu nhà kính ở Tam Dương chỉ là một trong số 3 khu anh Xuân đang đầu tư. Hiện khu nhà kính rộng 5.000m2 ở Phú Quốc hiện anh đang trồng ra xà lách cung cấp cho hệ thống khách sạn trên đảo.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Dương Lê Anh Dũng cho biết, cuối năm 2016, huyện Tam Dương xây dựng dự án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2017-2020”.
Huyện xác định tập trung vào 2 ngành chính là trồng trọt và chăn nuôi. Huyện nhập một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao từ nơi khác về đồng đất Tam Dương để sản xuất như hoa ly, dưa lưới... cùng với đó là việc ứng dụng hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, nhà màng, điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, không khí trong điều kiện nhà kính được Phòng NN&PTNT huyện triển khai thực hiện với quy mô 4ha (xã Hoàng Lâu 1 ha và xã Kim Long 3ha), với tổng mức đầu tư 4 tỷ đồng.
Kết quả bước đầu đã thể hiện được tính ưu việt trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục được những hạn chế của sản xuất nông nghiệp truyền thống. Mô hình trồng dưa lưới được Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Vĩnh Điền ở xã Kim Long đầu tư trồng với diện tích 3ha, trung bình sản lượng dưa của công ty đạt trên dưới 100 tấn/năm, trừ chi phí, mỗi năm, doanh nghiệp thu lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện còn có 11 trang trại chăn nuôi với số lượng từ 600 đến 10.000 con lợn áp dụng những công nghệ này. 100% chất thải trong chăn nuôi được xử lý bằng công nghệ khí sinh học biogas và sử dụng các chế phẩm vi sinh; một số trang trại áp dụng nhiều loại máy móc hiện đại để xử lý chất thải, nước thải như ứng dụng công nghệ tách rắn, lỏng để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có khoảng 5% số trang trại chăn nuôi được áp dụng công nghệ cao.
Bí thư huyện Tam Dương Nguyễn Văn Quý cho biết, thu hút đầu tư vào nông nghiệp đang được huyện tập trung triển khai, mô hình nhà kính như anh Xuân làm đã và đang đem lại hiệu quả tích cực, giúp người nông dân trong vùng thay đổi nhận thức và tư duy về đầu tư vào nông nghiệp.