Trồng rừng gỗ lớn, gia tăng giá trị gấp 3-4 lần rừng gỗ nhỏ
- Thứ tư - 01/11/2017 04:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thay đổi tư duy phát triển rừng
Tại xã Tử Nê, huyện Tân Lạc (Hoà Bình), người dân đang háo hức trồng rừng gỗ lớn thâm canh, sử dụng giống mới (keo lai mô) có khả năng sinh khối nhanh. Mô hình này do Trung tâm Khuyến nông Hoà Bình thực hiện, có diện tích 18ha với 10 hộ tham gia.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại Hoà Bình, sử dụng giống keo lai mô mới nâng cao khả năng sinh trưởng từ 1,5 - 2 lần so với các giống keo đại trà |
Ông Bùi Văn Dành, một người dân xóm Bin (xã Tử Nê) có 2ha rừng chia sẻ: Từ trước đến nay, bà con trong xã, trong huyện chủ yếu trồng rừng gỗ nhỏ, sử dụng giống keo sản xuất trong hom, cây lớn chậm và tầm vóc nhỏ, đến năm thứ 7 là phải chặt vì khả năng sinh khối thấp. Tổng doanh thu 1ha keo trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha. Nếu trừ chi phí giống, trồng, phát tỉa, làm cỏ, khai thác gỗ thì gần như không có hiệu quả.
Từ tháng 9/2016, được cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hoà Bình vận động tham gia dự án trồng keo lai nuôi cấy mô lấy gỗ lớn, sử dụng các giống năng suất cao như: BV10, BV16, BV32 nuôi cấy mô có xuất xứ tại miền Nam, ban đầu bà con chưa tin giống có thể thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu ở miền Bắc. Mặt khác, do cây có tầm vóc lớn, trồng 12 - 14 năm mới thu hoạch và phải bón phân, vì thế người trồng cần thay đổi toàn bộ phương thức trồng keo lai truyền thống.
Tuy nhiên, sau khi được giải thích về lợi ích của trồng rừng gỗ lớn, hướng dẫn bà con đã quyết tâm thực hiện mô hình này. Đến nay, cây keo đã đạt 13 tháng tuổi. Ông Bùi Văn Dành cho biết: “Do được trồng và bón phân đúng quy trình, cây keo phát triển nhanh hơn keo tai tượng và keo lá tràm khoảng 1,5 - 2 lần”.
Bà Nguyễn Thị Phúc, cán bộ Phòng Quản lý khuyến nông (Vụ KH-CN&MT, Bộ NN-PTNT) cho biết: Khác với trồng rừng gỗ nhỏ (thời gian trồng từ 5 - 8 năm), trồng rừng gỗ lớn yêu cầu mật độ trồng khoảng 1.300 cây/ha và phải bón phân, tỉa thưa, đảm bảo tỷ lệ cây sống đến kỳ thu hoạch khoảng 800 cây/ha. Mặc dù giống keo lai nuôi cấy mô có giá đắt hơn các giống keo lai cấy hom khoảng 3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, giống keo cấy mô có rễ cọc, có thể chống đổ tốt trước gió bão, tránh thiệt hại cho nông dân.
Ông Bùi Văn Minh, chủ hộ trồng rừng trong mô hình chia sẻ: Nếu trồng keo giống nuôi cấy mô, đường kính gốc có thể đạt 30 - 40cm sau 12 - 14 năm trồng; giá gỗ lớn cao gấp 4 - 5 lần so với gỗ keo làm bột nguyên liệu giấy. Trong khi đó, nông dân không mất chi phí trồng mới. Bởi vậy, xét về lợi ích kinh tế, trồng rừng gỗ lớn rất hiệu quả.
Giá trị gấp 3 - 4 lần rừng gỗ nhỏ
Ngày 31/10, tại Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện dự án "Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung giai đoạn 2016 - 2020".
Ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Đối với các tỉnh miền Bắc và miền Trung, mặc dù đã có quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, song những năm qua hầu hết các tỉnh chủ yếu phát triển rừng gỗ nhỏ phục vụ cho chế biến bột giấy dăm, cung cấp gỗ trụ mỏ, số mô hình trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn ở số tỉnh rất ít, diện tích nhỏ.
Ông Trần Văn Khởi phát biểu tại diễn đàn |
Nếu bán gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy giá trị chỉ đạt 700 - 800 ngàn đồng/tấn, nhưng nếu gỗ (xẻ) chế biến đường kính càng cao thì giá trị càng lớn (đường kính 25 - 30cm khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/m3, giá trị cao gấp 3 lần so với rừng gỗ nhỏ; đường kính trên 30cm khoảng 3 triệu đồng/m3).
Do đó, việc xây dựng và chuyển giao đồng bộ gói kỹ thuật về giống, quy trình trồng, chăm sóc các giống bạch đàn lai, keo lai và mỡ mới, có khả năng sinh khối cao, tầm vóc lớn góp phần tăng năng suất rừng trồng gỗ lớn 20% so với các giống đại trà và tăng thu nhập cho người trồng rừng là rất quan trọng.
Trong hai năm 2016 - 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chủ trì phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án trên địa bàn 11 tỉnh miền Trung và miền Bắc với tổng quy mô 650ha (đạt 100% kế hoạch), với 336 hộ tham gia. Tổng số mô hình đã xây dựng là 17 mô hình, mỗi mô hình có 2 điểm trình diễn.
Ngoài các giống keo lai nuôi cấy mô lớn nhanh, dự án cũng triển khai phát triển rừng gỗ lớn, sử dụng các giống mỡ và bạch đàn lai mô (UP54 và UP99). Dự án đã hỗ trợ phân bón NPK (5:10:3) cho người dân với mức 50%, người dân đối ứng 50%. Đến nay, tỷ lệ cây sống đạt 92 - 95%, cây sinh trưởng nhanh hơn 1,2 - 1,5 lần so với các giống cấy hom. Đặc biệt, tại Thanh Hoá, sau 15 tháng trồng, có những mô hình trồng rừng gỗ lớn, sử dụng giống keo lai mô có chiều cao trên 3m.
Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh, sau hai năm triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn (sử dụng hai giống bạch đàn lai mô UP99 và UP54), cây có chiều cao và đường kính gốc cao hơn ít nhất 30% so với rừng trồng đại trà. Nhiều nơi, cây có thể đạt chiều cao từ 5,5 - 6m. Một số tỉnh bạn đã đề nghị Quảng Ninh chia sẻ kỹ thuật trồng để nhân rộng diện tích.
Hiện các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hoà Bình đã có quy hoạch trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh trên, việc trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh kéo dài, tính rủi ro cao, điều kiện kinh tế của người trồng rừng thấp nên tốc độ mở rộng mô hình vướng phải một số hạn chế. Do đó, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ nhân công trồng, chăm sóc rừng ở thời điểm ban đầu để giảm bớt gánh nặng cho chủ rừng. Đồng thời, về góc độ khoa học kỹ thuật, cần theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng của cây thật cụ thể để khuyến cáo bà con thực hiện quy trình thâm canh phù hợp, đạt hiệu quả cao. |