Trồng sắn bền vững trên đất dốc
- Chủ nhật - 25/01/2015 20:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc có diện tích đất tự nhiên 356.282 ha, dân số 1.156.000 người. Năm 2013 diện tích trồng sắn của tỉnh là 3,7 nghìn ha, năng suất trung bình 154 tạ/ha, sản lượng 57.000 tấn (theo Tổng cục Thống kê năm 2014).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây người dân trồng sắn theo phương thức quảng canh là chủ yếu nên năng suất thấp; đồng thời còn làm đất bị rửa trôi bạc màu, hoang hóa. Nhằm hướng tới việc tăng năng suất sắn, bảo vệ đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà vẫn đem lại hiệu quả cao cho người trồng sắn, từ năm 2013, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên thực hiện mô hình canh tác sắn bền vững tại huyện Phú Lương và thị xã Sông Công cho kết quả tốt.
Năm 2014, Trung tâm KN tiếp tục triển khai mô hình trồng sắn bền vững tại 2 xã: Tân Khánh, Tân Thành (huyện Phú Bình); Tân Dương (huyện Định Hoá) với tổng diện tích là 27 ha cho 135 hộ nông dân tham gia. Đặc biệt tại xã Tân Dương, các hộ tham gia hầu hết là đồng bào dân tộc ít người (hơn 80% là đồng bào Tày, Nùng).
Mục tiêu của dự án là xây dựng các mô hình thâm canh sắn bền vững (sắn - lạc hoặc đậu, đỗ; nếu đất dốc trồng các băng cỏ voi theo đường đồng mức để chống xói mòn), diện tích 27 ha; năng suất sắn (củ tươi) từ 250 tạ/ha trở lên; hiệu quả kinh tế lãi thuần từ 6 - 8 triệu đồng/ha so với trồng sắn theo tập quán cũ.
Tập huấn đào tạo cho 340 lượt nông dân trong và ngoài mô hình. Tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng cho hàng trăm người dân cùng tham gia mô hình canh tác sắn bền vững tại địa phương. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% về giống, 50% vật tư, phân bón, thuốc BVTV... Ngoài ra còn được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc mà dự án chuyển giao.
Qua mô hình người dân đã nắm bắt được kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc theo phương thức nông lâm kết hợp đó là đậu tương, lạc… nhằm cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất. Việc trồng xen kẽ các loại cây dài ngày và ngắn ngày đã giúp người dân tận dụng đất, tăng năng suất cây trồng, xây dựng được hệ thống canh tác bền vững trên đất dốc, cung cấp, dự trữ được nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc.
Mô hình trồng sắn bền vững giống KM94 được triển khai từ tháng 3/2014 đến nay cây sinh trưởng phát triển tốt, không có sâu bệnh phá hoại nên sắn tỷ lệ sống đạt trên 95%, với chiều cao cây trung bình 1,8 - 2 m, đường kính tán 0,7 - 1 m. Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình thì sắn cao sản KM94 dễ trồng, cây cao, thân mập, tán lá rộng…so với giống địa phương đang trồng thì vượt trội hơn hẳn.
Dự án là cơ hội cho nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, bảo quản nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mà vẫn bảo vệ được đất, chống xói mòn. Kết quả của dự án sẽ được nhân rộng ra địa bàn trong những năm tiếp theo.
Song song với việc triển khai mô hình SX tại vùng dự án, thông qua công tác thông tin tuyên truyền bằng việc xây dựng các pano, áp phích và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc mở rộng quy mô SX sắn bền vững sang các xã khác trong huyện, tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai tương tự là khả thi.
Qua kiểm tra thực tế mô hình trồng sắn bền vững tại tại các điểm trình diễn cho thấy, giống sắn cao sản KM94 rất triển vọng phù hợp với đất đai và khí hậu nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Các hộ đã tuân thủ đúng kỹ thuật mà mô hình đề ra như hàng cách hàng 1 m, cây cách cây 80 cm và trồng xen các cây bộ đậu, lạc… nhằm cải tạo đất duy trì độ ẩm và trả lại chất hữu cơ cho đất, giữ cho đất không bị bạc màu.
Dự án trồng sắn bền vững đã đem lại hiệu quả nhất định. Kết thúc mô hình qua đánh giá thực tế năng suất sắn trung bình đạt 36,2 tấn/ha, so với công thức sắn lá tre trồng thuần đạt 28,8 tấn/ha thì cao hơn 7,4 tấn/ha, tăng 20,3%. Theo bà con nông dân thì mô hình sắn trồng xen 2 hàng lạc được đánh giá là cho hiệu quả cao nhất, vì ngoài năng suất sắn, mỗi ha thu thêm trung bình 17,2 tạ lạc, chưa tính phần thân lá được làm phân hữu cơ bón tại chỗ cho sắn.
Với kết quả đạt được, năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với các huyện Phú Bình, Đại Từ, Định Hoá xây dựng mô hình trồng sắn bền vững, từ đó khuyến cáo nhân rộng và phát triển cây sắn trên địa bàn tỉnh, giúp nông dân có hướng đi đúng trong phát triển nông, lâm nghiệp và canh tác bền vững, tạo việc làm, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Theo Dân Việt