Trung Quốc nói Biển Đông là “sân nhà”: Một tuyên bố tiêu cực và ngạo mạn

Bình luận với NTNN về tuyên bố của Trung Quốc rằng Biển Đông là “sân nhà” của Bắc Kinh, Giáo sư Clive Symmons - chuyên gia về Luật Biển của Đại học Ireland cho rằng, đó là một tuyên bố tiêu cực và Trung Quốc không thể áp luật riêng của mình trên Biển Đông.

Leo thang trong hành động biện minh

Ngày 8.3 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc họp báo quốc tế đã tuyên bố, Biển Đông là “sân nhà của Trung Quốc” và vì thế, “mọi công việc xây dựng, cải tạo đảo do Bắc Kinh tiến hành đều hợp pháp”.

 


Hình ảnh Trung Quốc cải tạo, mở rộng xây dựng đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cuối năm 2014.   CSIS
Sau khi tuyên bố này được truyền thông Trung Quốc đưa tin, nhiều chuyên gia quốc tế đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng, đó là tuyên bố đầy tiêu cực, ngang ngược cho thấy Trung Quốc không còn che giấu âm mưu bành trướng trên Biển Đông.

 

Cũng tại cuộc họp báo nói trên, ông Vương Nghị đã bác bỏ thẳng thừng những phản đối của các nước về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh các công trình bồi đắp đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, đây là lần đầu tiên, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không ngại ngần úp mở về tham vọng trên Biển Đông. Điều đáng nói, ông Vương Nghị còn khẳng định, Trung Quốc “có quyền làm tất cả những gì mình muốn trong vùng lãnh thổ thuộc về mình (ám chỉ những khu vực đảo mà Trung Quốc đang cải tạo trên Biển Đông).

Bình luận về nhận định nói trên của Ngoại trưởng Trung Quốc, Giáo sư Clive Symmons cho rằng, đó là một tuyên bố tiêu cực và không hợp lệ trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông chưa được giải quyết. Giáo sư Symmons cho rằng, Trung Quốc đang cố áp đặt luật riêng của mình trên Biển Đông, nên những động thái và tuyên bố nói trên không nằm ngoài mục đích đó. Giáo sư khẳng định: “Trung Quốc đang rất mập mờ trong vấn đề tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Theo Giáo sư Symmons, theo những tài liệu mà ông thu thập và nghiên cứu, ban đầu Trung Quốc giới hạn quyền lịch sử với quyền đánh cá và sau đó, Trung Quốc đã thay đổi yêu sách với cả tài nguyên ở đáy biển.

Giáo sư nhắc lại rằng, những yêu sách tiêu cực của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp.

Trong khi đó, Giáo sư Carlyle Thayer - chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia nhận định trên tờ RFI cũng cho biết, ông sửng sốt trước một tuyên bố vừa “thô bạo”, vừa “ngạo mạn”, vừa phản lịch sử vì chính Trung Quốc mới là nước chiếm đóng nhà của người khác. Giáo sư Thayer bình luận: “Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc mô tả các thực thể địa lý ở Biển Đông như là “nhà” của họ. Cách dùng từ ngữ này cho thấy là Trung Quốc đã leo thang trong hành động biện minh cho các hành động của họ, chuyển từ việc khẳng định “chủ quyền lịch sử” đối với các đảo và “vùng biển tiếp giáp”, sang việc tuyên bố quyền sở hữu không hơn không kém đối với với các thực thể như đảo đá, rạn san hô hay các bãi ngầm khác".

“Đám cháy mới” trên Biển Đông

Báo Jakarta Global dẫn bài phân tích của chuyên gia Jamil Maidan Flores cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách "thay đổi thực trạng" ở Biển Đông khi tiến hành xây dựng, mở rộng trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Hành động này đang đi ngược lại các cam kết của các bên trong việc duy trì nguyên trạng ở Biển Đông theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), gây căng thẳng trong khu vực.

Trung Quốc đang tiến hành xây dựng rầm rộ năm hòn đảo mới trên 5 bãi đá, đảo khác nhau, được cải tạo từ đất và đá lấy từ dưới đáy biển. Tại ít nhất một trong số đó, Trung Quốc còn xây dựng một căn cứ không quân để máy bay chiến đấu có thể cất và hạ cánh. Động thái này đang thay đổi triệt để nguyên trạng ở Biển Đông, đe dọa sự cân bằng chiến lược ở Tây Thái Bình Dương và tạo ra một "đám cháy mới" dữ dội về một cuộc xung đột vũ trang. Điều đó cũng thách thức chiến lược “trục hàng hải toàn cầu” của Indonesia.

Chuyên gia phân tích Jamil Maidan Flores nhận định, ASEAN cần phải gấp rút thực hiện ngay chính sách ngoại giao phòng ngừa, ít nhất để các cuộc đàm phán hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) không trở nên vô nghĩa. Nếu thất bại, một trong hai kịch bản có thể xảy ra: Trung Quốc sẽ phủ bóng lên khu vực như một bá quyền, hoặc một đám cháy lớn sẽ nhấn chìm tất cả các bên liên quan ở Biển Đông.

Việt Nam nhiều lần tuyên bố khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cũng đã liên tục phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó. Mọi hành động của phía Trung Quốc nhằm xây dựng, mở rộng trái phép công trình, đưa người tới các quần đảo này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Tân Hoa xã dẫn nguồn lực lượng cảnh sát của cái gọi là “thành phố Tam Sa” cho biết, chính quyền Trung Quốc triển khai quân đồn trú tới đảo Cây nhằm “bảo vệ chủ quyền” đảo này cũng như các bãi đá và vùng biển lân cận từ ngày 8.3. Đảo Cây là một đảo san hô thuộc nhóm đảo An Vĩnh trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 
Theo Danviet.vn